Khẩn trương ngăn chặn dịch tả heo châu Phi
DỊCH LÂY LAN NHANH
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, chỉ hơn 10 ngày sau khi Cục Thú y xác nhận bệnh tả heo châu Phi xuất hiện tại Hưng Yên, bệnh đã lan thành dịch ở 7 tỉnh, thành phố, tập trung tại các địa phương ở đồng bằng sông Hồng.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, các điểm phát hiện bệnh đều là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô chỉ vài chục con. Đây là điểm khác biệt của Việt Nam với nhiều quốc gia khiến nguy cơ lây lan dịch tả heo châu Phi của nước ta tăng nhanh. Theo đó, hiện cả nước có đến 2,5 triệu hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ, với khoảng 49% trong tổng đàn heo khoảng 14 triệu con. Điều này khiến việc quản lý phòng và xử lý dịch bệnh cực kỳ khó khăn. “Nhiều hộ chăn nuôi chủ quan cho rằng bệnh không lây sang người nên đã giấu dịch, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo chết, bệnh, không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát. Cục Thú y đã giải trình tự gen của virus dịch tả heo châu Phi gây bệnh tại Việt Nam và thấy rằng giống 100% chủng virus gây bệnh tại Trung Quốc. Đây là chủng bệnh cực kỳ nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh và đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi nước này”, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Anh Lê Anh Duy, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức chăm sóc đàn heo của gia đình. |
Trước nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi lây lan rộng, Bộ NN-PTNT và các địa phương đã khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống. Tuy nhiên, một số địa phương cho biết, công tác phòng, chống dịch còn gặp nhiều khó khăn như: thiếu hóa chất, trang thiết bị kỹ thuật, kinh phí cho người tham gia chống dịch; giá hỗ trợ heo phải tiêu hủy hiện nay ở mức 38 ngàn đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Hơn nữa, thủ tục hỗ trợ yêu cầu người chăn nuôi phải đăng ký và có xác nhận của chính quyền, nhưng thực tế rất ít hộ nuôi nhỏ lẻ làm điều này nên khả năng người chăn nuôi giấu dịch là rất cao.
Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26-2-2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả heo châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1 triệu con heo buộc phải tiêu hủy. Ở nước ta, theo Bộ NN-PTNT, từ ngày 1-2 đến 3-3-2019, bệnh xảy ra tại 202 hộ ở 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội). Tổng số heo bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, DN và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế dịch. Thủ tướng nhấn mạnh: “Các cấp, các ngành phải xắn tay áo vào cuộc, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời. Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương. Bộ TT-TT cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây tâm lý hoang mang và quay lưng với thịt heo sạch, không để vì vấn đề này mà ngành chăn nuôi Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ”. Thủ tướng đề nghị các địa phương kịp thời hỗ trợ người dân trong việc tiêu hủy heo, theo đề xuất của Bộ NN-PTNT là hỗ trợ 80% giá thị trường đối với heo con, heo thịt và mức cao hơn đối với heo nái.
BR-VT CHỦ ĐỘNG PHÒNG DỊCH
Tại BR-VT, các cơ quan của tỉnh, các địa phương, DN và hộ chăn nuôi cũng đang khẩn trương thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với dịch. Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, các ổ dịch xuất hiện ở phía Bắc, cách xa BR-VT. Tuy nhiên, nguy cơ dịch lây lan vào các tỉnh phía Nam, trong đó có BR-VT là rất cao. Nguyên nhân là hiện đang có tình trạng các trang trại phía Bắc bán tháo heo và được các thương lái thu mua, vận chuyển vào các tỉnh phía Nam, có nguy cơ mang theo mầm bệnh. Bên cạnh đó, loại virus gây bệnh tả heo sống rất lâu, thậm chí hơn 6 tháng trong các sản phẩm thịt nguội nên việc kiểm soát càng khó khăn.
Cách nhận biết và phòng chống lây lan dịch
Một số dấu hiệu của heo mắc dịch tả heo châu Phi: Heo sốt cao, không đứng vững; heo nôn, tiêu chảy, đôi khi chảy máu; da xanh xao, xung quanh vùng mõm hoặc tai; heo khó thở, ho; heo xảy thai và ốm yếu dần.
Nếu đàn heo có những dấu hiệu trên hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút dịch tả heo châu Phi, người chăn nuôi cần: liên hệ ngay với nhân viên y tế; không vận chuyển đàn heo nhiễm bệnh ra khỏi trang trại; thay trang phục, giày trước khi ra khỏi chuồng; thức ăn cho heo phải được mua ở những nguồn uy tín, kiểm tra thông tin kỹ nguồn gốc để tránh lây nhiễm virus từ thức ăn; tránh để heo nuôi tiếp xúc với heo hoang dã hoặc đàn heo khác; tránh nuôi heo ở chuồng ngoài trời trong những vùng bị nghi là ảnh hưởng; không mang, vận chuyển các loại thịt heo muối hay xông khói từ vùng khác đến, vì các loại thịt này vẫn tiềm ẩn virus bệnh; không vứt xác heo chết nghi nhiễm bệnh vào rừng/khu vực tự nhiên.
|
Vì vậy, từ trước và ngay sau khi nhận được Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng, các cơ quan chức năng, địa phương trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi. Chi cục đã xây dựng xong kế hoạch khẩn cấp triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh và trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian ngắn sắp tới. Kế hoạch quy định rõ nhiệm vụ của các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thị, thành; các lực lượng công an, quân đội, quản lý thị trường.
Giết mổ gia súc với công nghệ hiện đại, đảm bảo vệ sinh tại cơ sở của công ty TNHH Công Thành, huyện Long Điền. |
Tại các địa phương, cơ quan chức năng, DN và các hộ chăn nuôi cũng đang gấp rút thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Ông Đỗ Chí Khởi, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Châu Đức cho biết, địa phương có khoảng 170 ngàn con heo nên nếu dịch xảy ra sẽ gây hậu quả nặng nề. Vì vậy, cơ quan chức năng của huyện cũng đã thực hiện các biện pháp phòng dịch. “Huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể về tiêu hủy, nhân lực, kinh phí, phương tiện để chống dịch trong trường hợp dịch tả heo châu Phi lây lan vào địa phương”, ông Khởi khẳng định.
NGUYÊN TẮC “5 KHÔNG”
Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan, Cục Thú y đề nghị người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo thực hiện nguyên tắc “5 không” theo đúng quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; Không vứt heo chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
|
Trước tình hình dịch bệnh, nhiều hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh tỏ ra lo lắng, đồng thời chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa bệnh. Anh Lê Anh Duy (ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức) cho biết: “Tôi đã triển khai một số biện pháp phòng dịch như: Phun thuốc sát trùng khu chăn nuôi, rải vôi bột trên những lối đi trong trại nuôi, tiêm kháng sinh cho heo nhằm tăng khả năng phòng bệnh. Tuy nhiên, tôi rất mong dịch không lây lan đến địa phương”.
Bài, ảnh: QUANG VINH