Chiêu trò lợi dụng vấn đề BOT để kích động
Một trong những phương thức đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo hệ thống hạ tầng giao thông ở nước ta những năm qua là sự ra đời của mô hình đầu tư BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) trên các tuyến đường giao thông huyết mạch, quan trọng của quốc gia. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lợi dụng một vài bất cập xảy ra, các đối tượng quá khích, cực đoan, cơ hội đã có nhiều âm mưu, hành động xuyên tạc, kích động gây rối.
Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố bị can Hà Văn Nam để điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng” tại trạm thu phí BOT Phả Lại, trên mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết, hình ảnh video nhằm kêu gọi “ủng hộ những người dấn thân trong cuộc đấu tranh chống các “BOT bẩn”(!). Nhân cơ hội này, một số tờ báo điện tử nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam lại bình luận ác ý, xuyên tạc bản chất vấn đề. Nhiều bài viết kích động cư dân mạng cùng nhau chia sẻ khẩu hiệu, bài viết … đòi tự do cho ông Nam.
Gắn vấn đề BOT với vấn đề chính trị, có đối tượng lâng láo cho rằng, cần phải hủy bỏ các dự án BOT. Đây thực chất là một “chiêu trò bẩn” của các phần từ cơ hội, bất mãn trong nước cấu kết với các thế lực thù địch bên ngoài nhằm xuyên tạc, chống phá Nhà nước.
Phải khẳng định rằng, cơ quan điều tra có đủ bằng chứng để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt giam Hà Văn Nam, vì đối tượng này đã nhiều lần vi phạm tội danh “Gây rối trật tự công cộng” được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015. Đây là việc làm bình thường, cần thiết của cơ quan thực thi pháp luật nhằm góp phần giữ gìn kỷ cương phép nước, giáo dục mọi công dân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thượng tôn pháp luật.
Riêng về các dự án BOT, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển hạ tầng giao thông, từ năm 2011 đến nay đã huy động được 68 dự án BOT đường bộ, với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, đã hoàn thành đưa vào khai thác 58 dự án. Các dự án có 88 trạm BOT thu phí. Phần lớn các dự án đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngoài ngân sách đã phát huy hiệu quả, góp phần “ba tăng” (tăng vận chuyển, lưu thông hàng hóa; tăng kích cầu sản xuất trong nước; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế) và “ba giảm” (giảm áp lực nợ công; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông; giảm thiểu ô nhiễm môi trường).
Theo tính toán của các đơn vị tư vấn độc lập, nhiều dự án BOT đường bộ sau khi đưa vào khai thác đã tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành khai thác, tiết kiệm thời gian vận chuyển hàng hóa, nhất là giảm thời gian đi lại của hành khách so với khi công trình chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Ví như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc TP. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây giảm khoảng 50% thời gian đi lại; Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Vinh giảm khoảng 30% thời gian đi lại; Quốc lộ 14 đoạn Pleiku-Cầu 110 (tỉnh Gia Lai) giảm khoảng 35% thời gian đi lại; Quốc lộ 14 đoạn qua Đắk Nông giảm khoảng 30% thời gian đi lại...
Vì thế, chủ trương đầu tư xây dựng các dự án BOT đường bộ là đúng đắn, cần thiết, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta trong tình hình hiện nay. Không riêng ở Việt Nam, hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước ASEAN, nhiều nước phát triển như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Canada hay nhiều nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ… vẫn duy trì mô hình đầu tư này.
Qua giám sát, phản ảnh của người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng và dư luận báo chí, ngành GT-VT đã thấy rõ một số bất cập, như: Một số trạm thu phí BOT đặt vị trí chưa phù hợp, giá thu phí thời gian đầu khá cao nên gây thắc mắc cho người dân và doanh nghiệp vận tải. Trước tình hình đó, ngành đã phối hợp với các nhà đầu tư tính toán, điều chỉnh theo hướng giảm giá thu phí trên nhiều tuyến đường BOT; thực hiện công bằng đối với người dân địa phương và doanh nghiệp vận tải sử dụng đường BOT; lắp đặt đồng loạt hệ thống thu phí tự động không dừng đối với tất cả các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên…
Đến nay, Bộ GT-VT đã xử lý những bất cập về giá sử dụng đường bộ tại các trạm, gồm: Trạm Quốc lộ 6 Xuân Mai-Hòa Bình, trạm Quốc lộ 32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm Quốc lộ 3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Km1064, Quốc lộ 1 (Quảng Ngãi)… Mới đây, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GT-VT) đã lập kế hoạch kiểm tra, giám sát công tác thu phí của 11 trạm thu phí đường bộ BOT trên cả nước, qua đó góp phần bảo đảm công khai, minh bạch trong việc thu phí. Những việc làm này cũng không ngoài mục đích phát huy hiệu quả hơn nữa các dự án BOT đường bộ, đồng thời bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân và doanh nghiệp vận tải.
Thực tế cho thấy, đưa vào khai thác, vận hành các dự án đầu tư BOT đường bộ thời gian qua tuy còn một số bất cập, hạn chế nhất định, nhưng không thể phủ nhận những hiệu quả mà mô hình này đã góp phần khơi thông “huyết mạch” cho nền kinh tế quốc dân phát triển. Do đó, khi nhìn nhận, đánh giá về mô hình đầu tư này nói chung, các trạm thu phí BOT đường bộ nói riêng, cần phải khách quan, toàn diện, thấu đáo, tránh nhìn hiện tượng đơn lẻ rồi quy về bản chất, dễ gây nhiễu loạn thông tin và tạo cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá.
PHÚC NỘI