"Nói phải, dân nghe"
Hẻm 228 Lê Lợi, phường 4, TP. Vũng Tàu đang được nâng cấp mở rộng khiến nhiều người dân phấn khởi. Để có mặt bằng thi công, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã tích cực vận động người dân trả lại mặt bằng lấn chiếm cho Nhà nước.
Người dân hẻm 228 Lê Lợi tự giác tháo dỡ, di dời vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công đúng hẹn. |
Hẻm 228 Lê Lợi thuộc khu phố 3, phường 4, TP. Vũng Tàu, dài 276m, với 30 hộ dân sinh sống. Theo quy hoạch từ năm 1997, hẻm rộng 13m (7m lòng đường và 6m vỉa hè). Tuy nhiên, năm 2001, khi thi công tuyến hẻm này, công tác đo đạc thiếu chi tiết, nên hẻm chỉ được làm theo hiện trạng thực tế, bởi các hộ dân hai bên đã xây dựng cổng, hàng rào, công trình kiến trúc vào phần diện tích đất công. Vì vậy, hẻm chỉ rộng 5m, không có vỉa hè cũng như không có hệ thống thoát nước.
Năm 2017, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP. Vũng Tàu về việc tăng cường quản lý đất công, qua rà soát, Đảng ủy, UBND phường 4 phát hiện việc người dân tại hẻm 228 Lê Lợi đang sử dụng đất công nên báo cáo cấp trên, tìm phương án giải quyết. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Đảng ủy, UBND phường 4 nhiều lần tổ chức họp các hộ dân tại hẻm, thông báo chủ trương của phường về việc thu hồi đất công đang bị người dân lấn chiếm. Lần họp đầu, người dân chưa đồng thuận. Các cuộc họp lần thứ hai, thứ ba, thứ tư… lãnh đạo phường luôn lắng nghe, giải đáp thắc mắc của người dân, đồng thời phân tích, vận động để người dân hiểu được lợi ích khi hẻm được mở rộng, có vỉa hè và hệ thống thoát nước… Sau hơn một năm kiên trì thuyết phục, các hộ dân đã đồng thuận, tự giác tháo dỡ hàng rào, cột cổng để bàn giao cho phường thi công nâng cấp, mở rộng hẻm.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết, trước khi thực hiện dự án, UBND phường đã tổ chức họp dân, thông báo để người dân nắm được thông tin. Ban đầu, một số hộ phản đối, bởi các công trình được xây dựng đã lâu, mọi người cho rằng con hẻm đẹp rồi, không cần làm vỉa hè, hệ thống thoát nước cũng ít ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân. Cán bộ phường kiên trì giải thích việc nâng cấp hẻm, làm vỉa hè nhằm giúp người dân có không gian đi bộ, trẻ em được chạy nhảy, vui chơi mà không phải xuống lòng đường. Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ kinh phí di dời đồng hồ điện, nước cho người dân. “Sau khi được tuyên truyền, vận động và giải quyết các khúc mắc, người dân đã đồng thuận tự giác tháo dỡ các công trình, lùi cổng, tường để nâng cấp, mở rộng hẻm. Tổng diện tích người dân tự giác trả lại cho Nhà nước khoảng 800m2”, ông Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn (228/14 Lê Lợi), Trưởng Ban công tác mặt trận khu phố 3 cho hay, trong các cuộc họp chi bộ khu phố, ông thường đặt vấn đề đảng viên nêu gương, tự giác tháo dỡ các công trình kiến trúc, trả lại đất cho Nhà nước để nâng cấp hẻm. Thấy được lợi ích lâu dài và phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, 40 đảng viên (đều là nhân khẩu của 30 hộ trong hẻm) của khu phố đã đồng thuận tự giác chấp hành, đồng thời vận động gia đình và những hộ dân khác làm theo. “Nhà tôi xây dựng từ năm 2008. Khi nắm được chủ trương của thành phố, của phường, tôi đã chủ động vận động bà con cùng tự giác tháo dỡ công trình lấn hẻm để thành phố mở rộng hẻm. Ngày 15-3, đến hạn bàn giao mặt bằng cho Nhà nước, 100% hộ dân tại hẻm đều vui vẻ thực hiện”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Hoàng Xuân Nguyễn, Phó Trưởng Phòng Quản lý đô thị TP. Vũng Tàu, hẻm 228 Lê Lợi là tuyến hẻm đầu tiên một địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất công trên địa bàn thành phố. “Hiện nay, tình trạng người dân xây dựng các công trình kiến trúc trên phần đất công do Nhà nước quản lý còn phổ biến tại nhiều con hẻm trên địa bàn TP. Vũng Tàu. Hy vọng sau thành công của phường 4, các xã, phường khác cũng rà soát lại quỹ đất, công tác quy hoạch, xây dựng tại địa bàn và vận động người dân tự giác tháo dỡ, di dời vật kiến trúc, trả lại mặt bằng cho Nhà nước để thi công các tuyến hẻm ngày càng khang trang, cải thiện bộ mặt kiến trúc đô thị”, ông Nguyễn nói.
Bài, ảnh: DIỄM QUỲNH