.
XÂY DỰNG ĐẢNG

Để từ chức trở thành hành vi văn hóa

Cập nhật: 17:45, 18/12/2018 (GMT+7)

Từ chức - một vấn đề được đặt ra và bàn cãi từ rất lâu ở nước ta. Nhưng gần đây đã được đề cập trong Nghị quyết số 26-NQ/TW  và Quy định 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây là điểm khởi đầu để cán bộ, đảng viên xây dựng văn hóa từ chức.

Từ chức chỉ xảy ra ở những người có chức, có quyền và từ chức được hiểu theo nghĩa thông thường, giản đơn nhất là hành vi xin thôi giữ chức vụ đang nắm giữ. Ở nhiều nước trên thế giới, từ chức là một việc làm bình thường không chỉ với đội ngũ quan chức, mà còn với cả xã hội. Họ tự nguyện từ chức vì nhiều lý do: Khi bị cáo buộc vào tội tham nhũng, tự thấy năng lực không đủ thực thi công vụ được giao, tự thấy có lỗi với dân hoặc vì một sự vụ nghiêm trọng nào đó xảy ra trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, thậm chí họ xin từ chức chỉ vì một lý do nhỏ nhặt trong đời thường – một phát ngôn “lỡ lời” nào đó… Nhìn lại lịch sử thời phong kiến Việt Nam, chúng ta rất ấn tượng với những hình ảnh đầy dũng khí “treo ấn, từ quan”, “cáo lão về quê”  để sống một cuộc đời thanh thản, điển hình như các cụ Chu Văn An, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm… - những bậc sĩ phu, trí nhân khẳng khái, tiêu biểu, tinh khiết nhất thời đó.

Cách mạng thành công, dưới chế độ mới cũng đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình biểu hiện đỉnh cao của văn hóa từ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đứng trên cương vị cao nhất của một quốc gia, dân tộc, nhưng khi cần cũng vui lòng rời vị trí Chủ tịch nước nhẹ như lông hồng, không một chút vấn vương. Trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, ngày 22-1-1946, Người nói: “Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi gắng sức làm, cũng như một người lính xung phong ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui”. Trước sai lầm nghiêm trọng của cải cách ruộng đất sau năm 1954, ở miền Bắc, đồng chí Trường Chinh, lúc đó là Tổng Bí thư đã dũng cảm nhận trách nhiệm về mình và xin Bộ Chính trị cho từ chức! Trong mấy chục năm trở lại đây, lác đác xuất hiện việc xin từ chức, nhưng nhìn chung chúng ta chưa xây dựng được thói quen, phong tục, hay nói cách khác là chưa có văn hóa từ chức. Từ chức là hành vi văn hóa khi việc từ chức là một hành động tự giác, chủ động trên cơ sở lòng tự trọng và xấu hổ về năng lực hay lỗi lầm mà mình đã gây ra. Việc từ chức ở nước ta khó, rất khó bởi gia đình, dòng họ và cả xã hội nhìn vào những người “xin từ chức” cảm thấy đó là hiện tượng lạ, thậm chí là không bình thường. Người dân vẫn còn quan niệm: Cán bộ có sai phạm thì mới xin từ chức, do vậy sau hành động xin từ chức của cán bộ lập tức một làn sóng dư luận xã hội rất nặng nề chỉ trích, xoi mói, kỳ thị - coi từ chức như bị cách chức! Đây là một rào cản, một rào cản không hề nhỏ để xây dựng văn hóa từ chức. Từ chức khó, bởi từ chức đồng nghĩa với việc từ bỏ chức vụ, quyền lực, lợi ích cá nhân, quả thật đã là con người thì điều đó không bao giờ là dễ dàng. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, như Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII đánh giá “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển… chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”, lại càng khó khăn để từ chức trở thành hành động có văn hóa. Không ít cán bộ tham quyền cố vị, không xứng đáng với cương vị được giao, dù năng lực kém, nhưng không biết mình kém, vẫn nghĩ mình giỏi, luôn ngụy biện: Là đảng viên, Đảng giao nhiệm vụ thì phải làm. Không làm là phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, thiếu tinh thần trách nhiệm! Họ so bì với người này, người khác, sinh ra “Văn hóa nhìn nhau”; Họ tìm mọi phương kế để giữ khư khư cái ghế quyền lực của mình, đẻ ra thứ “Văn hóa không nhúc nhích”, gây bức xúc trong Đảng, trong dân.

Hội nghị Trung ương lần thứ 7, khóa XII và Quy định 08- QĐ/TW tại hội nghị lần thứ Tám, khóa XII, Đảng khởi xướng văn hóa từ chức, đánh thức lòng tự trọng trong mỗi con người cán bộ, mở đường cho hành vi từ chức có văn hóa. Đảng đề ra nhiệm vụ “Xây dựng quy định để việc nhận trách nhiệm, từ chức, từ nhiệm trở thành nếp sống văn hóa ứng xử của cán bộ” và Đảng đòi hỏi cao ở người cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương “Chủ động xin từ chức khi thấy mình không còn đủ điều kiện, năng lực, uy tín để thực hiện nhiệm vụ”.

Xây dựng văn hóa từ chức không thể thành công trong một sớm, một chiều, mà cần phải có thời gian, bởi đây là cuộc đấu tranh không kém phần gay go trong tư tưởng, nhận thức của từng cán bộ và cả xã hội. Muốn từ chức trở thành hành vi văn hóa, trước hết cần luật hóa việc từ chức để tạo ra hành lang pháp lý mang tính bắt buộc. Luật hóa, một mặt để những người ngoan cố không chịu từ chức thì tổ chức buộc họ phải từ chức theo quy định, mặt khác loại trừ hiện tượng khi sai phạm xin từ chức để “hạ cánh an toàn”. Nhưng lâu dài và có tính bền vững trong xây dựng văn hóa từ chức đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm làm cho nhân dân có thái độ nhìn nhận hành vi từ chức một cách nhân văn, khoan dung và độ lượng hơn. Giáo dục để nâng cao nhận thức cho người cán bộ thấy rằng: Chức vụ không chỉ gắn với quyền lợi, mà cao hơn là trách nhiệm, tinh thần, thái độ cống hiến phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân; Hành động từ chức là giải pháp bảo vệ danh dự cá nhân còn lại và cũng là trách nhiệm nêu gương. Biết từ chức đúng lúc cũng là một sự đóng góp, cho dù có thể là sự đóng góp cuối cùng: Dành cơ hội cho lớp trẻ có đức, có tài; Tạo công bằng trong công tác cán bộ; Giúp tổ chức sắp xếp bộ máy thật sự hiệu lực và hiệu quả; Hạn chế được những tổn thất do mình gây ra nếu tiếp tục trên cương vị đó. 

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.