Tẩy sạch "bệnh tự kiêu, tự ái" trong cán bộ, đảng viên
Với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Bệnh tự kiêu, tự ái” đăng trên Báo Sự Thật, số 102, ngày 15-11-1948. Đây là hai thứ bệnh rất nguy hiểm cho đạo đức và công việc mà theo Người, nếu không phát hiện kịp thời và quyết liệt đấu tranh loại trừ thì “nhất định sẽ đi đến thất bại”.
Bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh khám bệnh miễn phí cho người nghèo xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc. ẢNH: MINH NHÂN. |
Hồ Chí Minh quan niệm: “Tự kiêu tức là cho mình việc gì cũng thạo, cũng làm được. Việc gì mình cũng giỏi hơn mọi người”. Theo Người, thực chất của “bệnh tự kiêu” là: Đầu óc “mù quáng”; đức độ “hẹp hòi”; ý chí “thoái bộ”, “hủ hóa”, tự cho mình như “ngôi sao”, rồi khoe khoang, kiêu kỳ, ích kỷ, không tôn trọng quy định của tập thể, thậm chí vòi vĩnh, đưa ra yêu sách, nhũng nhiễu, gợi ý để nhận thêm lợi ích không chân chính về mình. “Việc thế giới, việc xã hội, việc Nhà nước to lớn vô cùng, nhiều vô cùng. Dù ai giỏi mấy, cũng không thể biết hết cả, làm hết cả”, đó là quy luật hiển nhiên, nhưng khi đã vướng “bệnh tự kiêu” thì sẽ có ý nghĩ “cận thị” đến mức “Chỉ trông thấy những việc mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết, mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được”. Vì tự kiêu nên luôn cho mình hay nhất, giỏi nhất, không có ai bằng, rồi xem thường mọi người và “không bao dung được những ý kiến và những phê bình của người khác”. Người đời không ai tránh được khuyết điểm, vấn đề là mức độ khuyết điểm to hay nhỏ, ít hay nhiều, nhưng mang “bệnh tự kiêu” thì sinh ra “tự mãn”, “không chịu học những sự hay sự tốt của người, không ưa những lời phê bình thẳng thắn để sửa chữa khuyết điểm của mình”. “Bệnh tự kiêu” gắn chặt với “nịnh bợ” và tất yếu dẫn đến những “ê kíp” bất bình thường trong lãnh đạo, quản lý, gây tổn hại lớn đến lợi ích chung của dân tộc: “Đã kiêu thì ắt ghét những người tài giỏi hơn mình. Ưa những kẻ nịnh hót mình. Thân cận là những kẻ vô tài bất lực, nhưng khéo nịnh hót a dua. Xa cách hoặc dìm hãm những người có tài, có đức hay bàn ngay nói thẳng”.
“Bệnh tự kiêu” đã vậy, “bệnh tự ái” cũng nguy hại không kém cạnh. Những ai mang “bệnh tự ái” luôn cảm thấy mình thua kém người khác, dễ nảy sinh mặc cảm với mọi người, “hay chấp vặt, không can đảm tự phê bình, không ưa những lời phê bình ngay thẳng”. Người tự ái thường biến chuyện nhỏ thành to, chuyện to thành phức tạp; đã tự ái thì rất khó cảm thông với người khác, dễ trở nên bảo thủ, khó lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của mọi người xung quanh; mỗi khi bị phê bình hay chỉ trích thì lập tức có phản ứng tiêu cực. Tự ái luôn song hành với tự kiêu, tự mãn, đúng như nhận định của Người: “Tự ái này luôn luôn đi đôi với tự kiêu, tự mãn, tự túc. Và kết quả là tự khí, nghĩa là mình tự ngăn cản mình tiến bộ, đồng thời đã tự kiêu, tự ái thì không thể đoàn kết. Không đoàn kết tức là cô độc”. “Bệnh tự ái” sẽ tự cô lập mình, sẽ khóa kín bản thân với mọi quan hệ xã hội và hành vi đó không thể chấp nhận ở người cán bộ, đảng viên.
“Bệnh tự kiêu, tự ái” theo Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đó là hành vi suy thoái và từ hành vi này sẽ làm cho cán bộ, đảng viên trượt dài sang nhưng hành vi suy thoái khác: Quan liêu, xa dân, tham nhũng, lãng phí, độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ, so bì, tị nạnh, bệnh thành tích, phô trương, không chịu học tập, rèn luyện. Người khẳng định: “Bệnh tự kiêu như thế thì sao khỏi hỏng việc” và “bệnh tự ái như thế thì chẳng có việc gì thành công”. Do vậy, “Mỗi một người và tất cả mọi người chúng ta phải tẩy sạch bệnh tự kiêu, tự ái”, suốt đời phấn đấu không ngừng xây dựng và tu dưỡng đức tính khiêm tốn, cầu thị, tự trọng, liêm sỉ. Giá trị vĩnh hằng mà Người để lại cho các thế hệ mai sau, chúng ta cần ghi nhớ: “Thắng không kiêu, bại không nản”, “Khi thành công càng phải khiêm tốn, chớ có tự kiêu, tự đại”. “Thang thuốc” gồm có 4 vị để chữa trị “bệnh tự kiêu, tự ái” mà Người chỉ ra, chúng ta phải khắc sâu: “Thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; Cố gắng sửa chữa khuyết điểm và phát triển ưu điểm; Luôn luôn cố gắng học hỏi để luôn luôn tiến bộ; Thực hành đoàn kết”.
Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn cùng với những thách thức không nhỏ trong thời kỳ hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Để nắm được cơ hộ cũng như vượt qua mọi thách thức, để có thể tiến bước “sánh vai với các cường quốc năm châu”, Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã quyết nghị: “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là quyết tâm chính trị của Đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, đồng thời đặt ra trách nhiệm cao đối với cán bộ, đảng viên trước tương lai của dân tộc. Học tập và làm theo Bác, cán bộ, đảng viên hơn ai hết phải thật sự thành tâm, nghiêm khắc để nhận biết hết, cầu thị, kịp thời sửa chữa tất cả những căn bệnh, trong đó có “bệnh tự kiêu, tự ái” ngay từ mầm mống trong bản thân mình. Tấm gương sáng của Bác Hồ cũng như tấm gương và bài học của bậc tiền bối giúp chúng ta tự vấn lương tâm để luôn có suy nghĩ và phương châm hành động đúng: “Cụ Khổng và cụ Lê hơn mọi người, không phải vì hai cụ biết hết mọi việc, làm được mọi việc, mà vì hai cụ không tự kiêu, tự ái, luôn luôn học hỏi”.
Nguyễn Quang Phi