Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 29-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách Nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021; phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017; đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020.
HOÀN THIỆN BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ DỰ ÁN
Đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) trả lời phỏng vấn báo chí trong giờ nghỉ giải lao. |
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội) khẳng định, những nỗ lực của Chính phủ trong thực hiện đầu tư công thời gian qua rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng đầu tư dàn trải, dở dang vẫn chưa được khắc phục. Đại biểu dẫn chứng, tổng mức đầu tư cho giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng cho số lượng dự án không nhỏ là 9.620 dự án, dẫn tới tình trạng ở nhiều địa phương, nhiều dự án dở dang, thiếu vốn. Đặc biệt, với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì mỗi tỉnh, thành phố được phân bổ một dự án. “Hiếm có ở quốc gia nào có phương pháp phân bổ mỗi tỉnh, thành phố có một dự án như Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh và chỉ rõ theo kinh nghiệm của các nước, nguồn lực đầu tư Nhà nước hầu như chỉ tập trung vào những dự án có tác động lan tỏa, tác động toàn xã hội.
Khẳng định nhu cầu vốn của các địa phương là chính đáng, tuy nhiên theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, trong bối cảnh nợ công vẫn ở mức cao, bội chi lớn, lãi suất ngày một tăng thì phải lựa chọn tập trung, tránh dàn trải. “Công bằng là nguyên tắc quan trọng được đề cập ở hầu hết các nghị quyết về phân bổ ngân sách, tuy nhiên công bằng không có nghĩa là cào bằng; có trọng tâm không có nghĩa là chỉ có một số dự án, một số địa phương được chú trọng, mà cần có một trật tự ưu tiên phù hợp với tính cấp thiết ở từng thời điểm, có lộ trình thích hợp”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.
Đề cập đến tính hiệu quả của các dự án, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đặt câu hỏi: “Trong hàng nghìn công trình hoàn thành có bao nhiêu công trình đạt hiệu quả cao? Bao nhiêu công trình hiệu quả thấp? Bao nhiêu công trình chưa hiệu quả?”. Trong nhiều năm qua, khâu phân bổ nguồn lực đã được chú trọng, song khâu đánh giá hiệu quả sau đầu tư chưa được quan tâm. Từ hạn chế này, đại biểu đề nghị cần sớm hoàn chỉnh bộ tiêu chí về đánh giá hiệu quả, theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đồng tình với đại biểu Vũ Thị Lưu Mai về việc đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng, báo cáo Chính phủ cần thống kê vừa qua bao nhiêu dự án đầu tư công hiệu quả, dự án nào thua lỗ... Như vậy mới xác định được trách nhiệm tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm, tránh thất thoát, lãng phí vốn thời gian qua.
XÁC ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM KHI XẢY RA THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) nhận định, trong bối cảnh nền kinh tế đang rất cần vốn thì tốc độ giải ngân vốn đầu tư công trong 3 năm qua lại có xu hướng “chậm dần đều”, mặc dù Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã nhiều lần họp quyết liệt và đưa ra nhiều văn bản thúc đẩy nhưng tình hình không được cải thiện. Theo đại biểu, nguyên nhân là do hiện nay chưa có tiêu chí lựa chọn các dự án đưa vào kế hoạch đầu tư và phân bổ cho đầu tư chưa rõ ràng. Vì thế, Chính phủ phải sớm xây dựng, công bố công khai bộ tiêu chí đánh giá, xếp thứ tự ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư đưa vào danh mục đầu tư công và phân bổ vốn đầu tư.
Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư là người phải chịu trách nhiệm khi xảy ra những thất thoát, lãng phí; đồng thời cần công khai hóa toàn bộ hồ sơ của dự án để mọi người được giám sát và theo dõi quá trình thực hiện.
Đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Trần Đăng Ninh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình) cho rằng, giải ngân năm 2016 - 2017 đạt thấp, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ rất thấp. Theo đại biểu, việc chậm giải ngân là do sự chuẩn bị dự án để đưa vào kế hoạch chưa được tốt, hầu hết các dự án khi được phê duyệt chưa xác định được rõ nguồn vốn. Khi có nguồn vốn được giao thì dự án lại phải xem xét lại. Bên cạnh đó, kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của các luật như Luật Đầu tư công, Luật Đất đai, các luật khác về thủ tục hành chính... rất phức tạp và mất nhiều thời gian dẫn đến chậm triển khai dự án. Đại biểu đề nghị sớm sửa các quy định pháp luật, thúc đẩy thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công để nguồn vốn này sớm phát huy được hiệu quả.
PHƯƠNG HẠNH