Cán bộ, đảng viên tự tu dưỡng, rèn luyện để ngăn chặn suy thoái
Tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa quan trọng, thiết thực nhằm đấu tranh ngăn chặn biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Coi trọng xây dựng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng luôn được Đảng xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trong công tác xây dựng Đảng.
Đồng chí Đinh Văn Hùng, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, tặng Giấy khen của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh cho các tổ chức cơ sở Đảng có thành tích xuất sắc trong 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHÚC LƯU
|
Việc học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên chỉ có kết quả tốt khi chính họ có nhu cầu tu dưỡng, rèn luyện. Nhu cầu đó nảy sinh, phát triển cùng với quá trình tổ chức hoạt động tự giáo dục nhằm hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên theo yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Vấn đề quan trọng là phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên có động cơ tự học tập, rèn luyện, biết khắc phục mọi khó khăn để phấn đấu vươn lên. Vì vậy, trước hết cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng.
Cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác giáo dục, quán triệt nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của việc tự học, tự tu dưỡng và rèn luyện, thấy rõ những yêu cầu, đòi hỏi khách quan về tiêu chuẩn người đảng viên; Tích cực bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên về hệ thống thang giá trị đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi của xã hội và mục tiêu giáo dục cán bộ, đảng viên của Đảng; Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục bằng cách tăng cường thực hành thường xuyên, liên tục theo nội dung, chương trình, kế hoạch đã được xây dựng khoa học, cụ thể; Bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên những kiến thức cơ bản về tự học, tự giáo dục và hướng dẫn cách thức, biện pháp thực hiện có hiệu quả trong hoạt động thực tiễn; Gắn phong trào tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên với tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu phải tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để họ được tự học tập, tự rèn luyện thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực và trở thành hành động tự giác, tự thân của mỗi cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự nhận thức đúng và đầy đủ những ưu điểm, khuyết điểm của mình để xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu, thời gian học tập, rèn luyện, tu dưỡng nhằm bồi dưỡng nhân cách người quân nhân cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn thành cán bộ tốt, phải có tinh thần tự chỉ trích, không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến bộ được. Trên tinh thần tự đánh giá đúng bản thân, biết rõ ưu, khuyết điểm, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự xác định nội dung, biện pháp và ý chí quyết tâm tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực cần thiết và phương pháp, tác phong công tác. Quá trình tự hoàn thiện, tự giáo dục, tự rèn luyện nhân cách phải là quá trình phấn đấu thường xuyên, liên tục, có chủ định, có ý chí quyết tâm cao, biết khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tự tu dưỡng và rèn luyện thông qua các hoạt động thực tiễn là phương tiện hữu hiệu nhất giúp cán bộ, đảng viên vừa thể hiện được những tri thức, kinh nghiệm vốn có của mình trong công tác, vừa không ngừng tích luỹ những biện pháp, cách thức, phương pháp tự tu dưỡng, rèn luyện. Qua hoạt động thực tiễn đó, từng cán bộ, đảng viên tự đánh giá đúng khả năng, năng lực của mình; đồng thời tự nhận thức rõ ưu, nhược điểm để điều chỉnh bản thân cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu giáo dục, rèn luyện của Đảng.
Để mỗi cán bộ, đảng viên luôn nêu cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, cấp uỷ, tổ chức Đảng, cần thường xuyên lắng nghe ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng. Trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), hơn lúc nào hết, vai trò của các tổ chức quần chúng cần phải được phát huy cao độ; Phải huy động được các tổ chức quần chúng tích cực tham gia cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch vững mạnh. Tổ chức Đảng các cấp cần coi trọng xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch để các tổ chức quần chúng đóng góp cho cán bộ, đảng viên nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên trong đơn vị mình. Những ý kiến phê bình đúng cần tiếp thu, đưa vào nội dung sinh hoạt để cán bộ, đảng viên trong chi bộ biết, có kế hoạch sửa chữa. Những góp ý chưa chính xác, những thắc mắc của quần chúng cần được giải thích đầy đủ, kịp thời.
Mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng cần hướng dẫn cán bộ, đảng viên làm tốt việc đăng ký phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Thường xuyên theo dõi, kịp thời biểu dương gương người tốt, việc tốt, đơn vị tốt; Hướng dẫn việc giám sát, đánh giá mức độ chuyển biến, tiến bộ của từng cán bộ, đảng viên.
PHẠM THỊ NHUNG