.

Khai mạc Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách

Cập nhật: 18:25, 06/09/2018 (GMT+7)

Sáng 6-9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về 2 dự án luật, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, chuẩn bị cho việc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGUYỄN HOÀNG

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án Luật quan trọng, đã được đưa ra thảo luận tại 2 kỳ họp và dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về phòng, chống tham nhũng và khắc phục các hạn chế, bất cập của luật hiện hành, giải quyết những vấn đề thực tiễn của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại hội nghị, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý dự thảo luật, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình một cách hợp lý về nguồn gốc của tài sản đó; về cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập và vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước...

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đang thu hút sự quan tâm của dư luận, nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Việc sửa đổi Luật nhằm đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với việc tự chủ của các trường đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ dự thảo Luật cần làm rõ những vấn đề, như tăng cường trách nhiệm của Nhà nước đối với các loại hình cơ sở giáo dục đại học, bao gồm cả trách nhiệm đầu tư và quản lý, cơ cấu tổ chức và quản trị của cơ sở giáo dục đại học, phát triển hệ thống đại học tư thục, việc hợp tác giáo dục đại học với nước ngoài, các vấn đề về học phí, thuế, chức danh nghiên cứu viên, các quy định về tiêu chuẩn giáo viên, độ tuổi, thời gian công tác...

Tại hội nghị, các cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý 2 dự thảo Luật trên, sau đó, các đại biểu thảo luận. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về những vấn đề đã nêu trong Báo cáo và các nội dung khác của dự thảo luật mà các đại biểu quan tâm, đồng thời, đề xuất cụ thể hướng tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Trong quá trình thảo luận, khi cần thiết, đại diện cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra có thể trình bày và trao đổi thêm những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

HOÀNG THỊ HOA

.
.
.