Tầm nhìn chiến lược trong công tác cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, Bác đặc biệt quan tâm tìm người đủ đức, đủ tài để đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng.Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. “Cán bộ, là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt… nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bác Hồ đặc biệt phê phán những cán bộ “mỏng đức, kém tài”, thường có biểu hiện “dìm người giỏi” để giữ địa vị và danh tiếng của mình. Do đó, theo Bác: Công tác cán bộ gồm nhiều khâu: tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện, đánh giá, sử dụng và chính sách cán bộ.
Các cán bộ chủ chốt, đảng viên tham gia học tập các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII do Đảng ủy Khối Cơ quan tỉnh tổ chức. Ảnh: PHÚC LƯU |
Bác luôn nhắc nhở cán bộ làm công tác tổ chức về việc lựa chọn cán bộ. Bác nói: “Lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng”, “Khâu chọn giống, nếu giống tốt thì cây sẽ tốt”, “Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”. Công tác huấn luyện, đào tạo cán bộ là công việc gốc của Đảng theo phương châm làm việc gì học việc nấy, huấn luyện phải thiết thực, chu đáo, không được “Hữu danh vô thực”, lý luận và thực tế không ăn khớp, dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được… phải mở lớp nào ra lớp ấy, lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận.
Đặc biệt Bác nhấn mạnh việc sử dụng cán bộ: Là một khâu có ý nghĩa quyết định đến sinh mạng chính trị của cán bộ và hiệu quả của công việc, vì vậy cần cẩn trọng, kỹ càng, nếu chủ quan thì sẽ dễ mắc sai lầm… và cán bộ có vai trò quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, trong đó đội ngũ cán bộ “cấp chiến lược” có vị trí hạt nhân.
Hiện nay, trước tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đòi hỏi cán bộ phải tiếp tục đổi mới tư duy tiếp cận về vấn đề cán bộ, đặc biệt là công việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác cán bộ đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, trong đó công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược còn chưa đáp ứng yêu cầu mà Đảng và nhân dân kỳ vọng.
Sở dĩ vậy là vì còn có sự khác biệt giữa nhận thức lý luận và thực tiễn, giữa “nói hay và làm chưa tốt” trong cán bộ. Việc sử dụng cán bộ “tài không xứng chức”, phương pháp đào tạo nặng nề lý thuyết, thiếu cập nhật kiến thức và kỹ năng lãnh đạo thực tiễn, đánh giá, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ, trong đó có cán bộ cấp chiến lược có những sai phạm vẫn còn diễn ra; Công tác xử lý sai phạm, kỹ luật cán bộ còn “chưa đến nơi”; Tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ thể hiện trong việc chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển; Mua bán văn bằng, chứng chỉ làm cho một bộ phận cán bộ yếu kém, thiếu năng lực, không đảm đương được công việc, suy thoái đạo đức, lối sống…
Ngày 19-5-2018, Hội nghị lần 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW về vấn đề tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, để chọn được những cán bộ ưu tú, có đức, có tài bổ sung cho đội ngũ cán bộ cấp chiến lược chúng ta phải có cơ chế thu hút nhân tài, phát hiện cán bộ thực sự có năng lực thông qua hoạt động lãnh đạo, quản lý từ cơ sở để đưa đi đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm.
Có thể nói, tư tưởng và quan điểm của Bác Hồ về cán bộ, về đánh giá và sử dụng cán bộ là kết tinh truyền thống dùng người của cha ông ta trong lịch sử, là đỉnh cao của “phương sách” dùng người. Những luận điểm của Bác về cán bộ và công tác cán bộ đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Đảng ta đang tiếp tục kế thừa và vận dụng sáng tạo trong việc thực hiện công tác cán bộ, đặc biệt việc trọng dụng nhân tài và có tầm nhìn chiến lược cho cả trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG