.
XÂY DỰNG ĐẢNG

Không kiểm tra là rời xa vai trò lãnh đạo

Cập nhật: 19:28, 21/05/2018 (GMT+7)

Hồ Chí Minh không chỉ đặt nền móng lý luận mà còn thực hành kiểm tra, giám sát của Đảng. Người luôn khẳng định vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của công tác này “Chín phần mười thiếu sót trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) xem xét, thảo luận và chỉ đạo để tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng tổ chức Đảng hiện nay. 

Đồng chí Huỳnh Thành, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Long (huyện Châu Đức) dự đánh giá chất lượng sinh hoạt của Chi bộ thôn Hưng Long. Ảnh: BẢO KHÁNH
Đồng chí Huỳnh Thành, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã Kim Long (huyện Châu Đức) dự đánh giá chất lượng sinh hoạt của Chi bộ thôn Hưng Long. Ảnh: BẢO KHÁNH

Từ khi thành lập Đảng năm 1930 cho đến nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhất quán cho rằng kiểm tra, giám sát là 1 trong 3 chức năng quan trọng gắn liền với hoạt động lãnh đạo của Đảng. Người nói “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra”. Ở đâu, lúc nào, khi nào không tiến hành kiểm tra thì ở đó, lúc đó, khi đó đã buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý. Kiểm tra, giám sát là công cụ đắc lực của người cán bộ ở mọi cấp, không biết sử dụng công cụ hữu hiệu này đồng nghĩa với việc không kiểm soát được quyền lực theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn “Mọi người phải nhớ rằng: Cộng nhiều khuyết điểm nhỏ thành khuyết điểm to, sẽ rất có hại. Cộng nhiều ưu điểm nhỏ thành ưu điểm lớn, rất có lợi cho Đảng”. Nhưng làm thế nào để biết, dù là những ưu điểm, khuyết điểm nhỏ nhất của tổ chức, cá nhân trong Đảng? Người khuyên “Làm mà không kiểm ta thì không biết kết quả ra sao, không hiểu sai lệch thế nào để kịp thời sửa chữa”. Có kiểm tra, giám sát mới “Biết đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… tổ chức thực hiện tốt hay không tốt, có đi vào cuộc sống không”; “Mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ”. Nếu không kiểm tra, giám sát hoặc kiểm tra, giám sát không đến nơi, đến chốn thì “Nghị quyết một đằng, thi hành một nẻo, mà Đảng không hay biết”. Theo Người, nếu tiến hành thường xuyên và làm tốt thì kiểm tra, giám sát sẽ là “Bạn của dưới, tai mắt của trên”. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát giúp lãnh đạo các cấp sớm phát hiện những nhân tố mới, người tốt, việc tốt để nhân rộng, đồng thời thấy hết được những thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm của mọi tổ chức, cá nhân kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục khi chưa gây ra hậu quả lớn. “Kiểm tra khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết” và “Về sau nhất định khuyết điểm sẽ bớt đi” đó là lời khẳng định của Hồ Chí Minh và điều đó đã được thực tiễn cách mạng nước ta kiểm chứng như một chân lý. 

Nhưng kiểm tra, giám sát phải tiến hành “Từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên”; phải “Đi đến tận nơi, xem tận chỗ”, chứ không được “Ngồi trong phòng giấy mà chờ người ta báo cáo”, như thế “Mới biết rõ cán bộ và nhân dân tốt hay xấu. Mới biết rõ ưu điểm, khuyết điểm của từng cơ quan. Mới biết rõ ưu điểm của các mệnh lệnh và nghị quyết”. 

Hiện nay, công tác kiểm tra, giám sát chưa thật sự được chú trọng đúng mức ở nhiều nơi, nhiều cấp. Hiện tượng “Trên nóng, dưới lạnh”, “Trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh” vẫn diễn ra làm cho công tác giám sát, kiểm tra chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Những khuyết điểm, sai phạm của tổ chức, cán bộ, đảng viên 70% là do nhân dân và cơ quan báo chí phát hiện; nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn báo cáo Trung ương trong hàng chục năm không có tham nhũng, lãng phí, quan liêu; nhiều vụ việc, khi kiểm tra phát hiện thì đã đến cực điểm của sự sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII vừa kết thúc, một lần nữa BCH Trung ương lại rung hồi chông báo động đỏ về công tác kiểm tra, giám sát. Chính buông lỏng sự kiểm tra, giám sát trong công tác cán bộ là một nguyên nhân làm bùng phát tha hóa quyền lực nghiêm trọng, trên diện rộng. Rất nhiều người đã lợi dụng khoảng trống này, bất chấp liêm sỉ để chạy nước rút trên con đường quan lộ, tất cả đều chạy: Chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy tội… chỉ trừ công việc! “Chủ nghĩa thân quen”, “Mua quan bán tước”, nạn bổ nhiệm “Con ông cháu cha, người thân, cánh hẩu” không đủ tiêu chuẩn để “Cả nhà làm quan”, “Cả họ làm quan” gây nhức nhối trong Đảng, trong dân. Công tác kiểm tra, giám sát yếu kém góp phần sai lầm trong đánh giá, lựa chọn, đề bạt, cân nhắc, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ vào một số vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả cấp chiến lược. Hậu quả khôn lường trong công tác cán bộ mà chúng ta phải gánh chịu: Một khối lượng lớn tài sản của dân, của nước trôi xuống sông, xuống biển; một loạt cán bộ, trong đó rất nhiều cán bộ cao cấp bị hạ bệ và lớn nhất vẫn là làm phai nhạt niềm tin, đe dọa đến sự tồn vong của Đảng.

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hồ hởi đón nhận các quyết sách từ Hội nghị lần thứ 7, BCH Trung ương khóa XII bàn về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; trong đó đặc biệt quan tâm và kỳ vọng quyết tâm chính trị: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Đưa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về đúng vị trí, vai trò tầm quan trọng đặc biệt của nó; tăng cường tự kiểm tra; kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ, đột xuất và xử lý nghiêm minh kết quả kiểm tra, giám sát theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu, vừa cơ bản, vừa cấp bách góp phần đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay trong nội bộ.

NGUYỄN QUANG PHI

.
.
.