Âm vang chiến thắng Điện Biên Phủ
64 năm sau ngày lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri (7-5-1954 – 7-5-2018), những cựu chiến binh (CCB), người tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn khắc sâu trong tâm trí những ký ức hào hùng về chiến thắng lịch sử năm ấy…
SẴN SÀNG HY SINH VÌ ĐỘC LẬP, TỰ DO CỦA TỔ QUỐC
Cựu chiến binh Phạm Hào (bìa trái) cùng cựu chiến binh Hoàng Minh Mẫn (xã Châu Pha, huyện Tân Thành) ôn lại những ký ức hào hùng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. |
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Phạm Hào (SN 1932, hiện ngụ ở xã Châu Pha, huyện Tân Thành) thuộc biên chế Đại đội pháo 757, Tiểu đoàn 275, Trung đoàn 675. Đã 64 năm trôi qua, nhưng CCB Phạm Hào vẫn còn nhớ như in từng diễn biến trong 55 ngày đêm ác liệt, kiên cường chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Nhớ lại việc cùng đồng đội đưa pháo lên đồi, núi, CCB Phạm Hào kể: “Để chuẩn bị cho Chiến dịch, bộ đội ta phải kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm. Công việc này bắt đầu từ tờ mờ tối đến trước 8 giờ sáng hôm sau. Kéo pháo đến đâu, các chiến sĩ ta ngụy trang đến đó. Sáng hôm sau, khi đã về nơi trú ẩn an toàn, nhiều chiến sĩ mới biết mình bị trầy xước, máu chảy khắp mình. Gian nan, vất vả là vậy, nhưng các chiến sĩ vẫn lạc quan, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, sẵn sàng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.
Cùng các đồng đội trong Đại đội Công binh 202 thực hiện việc nổ mìn, phá đá mở đường và vận chuyển vũ khí phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, CCB Nguyễn Văn Sâm (SN 1936, ở phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) khắc sâu nhiều kỷ niệm mà ông và đồng đội đã trải qua. CCB Nguyễn Văn Sâm cho hay, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc bị đá văng vào chân, mặt, gây chảy máu, trầy xước là chuyện thường ngày đối với ông và các đồng đội. Đã có không ít đồng đội của ông anh dũng hy sinh. Tuy nhiên, mọi người không ai chùn bước, luôn tâm niệm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Nén nỗi đau mất đồng đội, ông Sâm tiếp tục kiên cường cùng đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao cho đến ngày đại thắng.
NIỀM VUI CHIẾN THẮNG
Nhớ lại lời chúc Tết Giáp Ngọ năm 1954 và cũng là lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, CCB Phạm Hào kể, Đại tướng đánh điện đàm ân cần chúc Tết đơn vị và ra lệnh cho Đại đội pháo 757 đang đóng quân tại phía Đông trung tâm Mường Thanh nổ những phát pháo đầu tiên trước khi vào chiến dịch. Đại tướng yêu cầu: “Các đồng chí cho bắn vào sân bay. Nhắc anh em chuẩn bị thật tốt. Đã bắn là phải trúng”. Lời chúc Tết và lệnh tấn công đanh thép của Đại tướng ngay ngày đầu năm mới đã được các chiến sĩ ta nhận lệnh.
Cả bầu trời sân bay Mường Thanh rung chuyển, địch bị tiêu diệt 8 máy bay Hen-cát, 2 chiếc Moran, 2 chiếc Đa-cô-ta. Địch điên cuồng bắn trả, nhiều khu rừng trắng hoa ban bị pháo giặc sới tung, tuy nhiên các trận bộc phá giả của ta đã khiến địch không thể bắn trúng nơi công sự đặt pháo. Đến rạng sáng 7-5-1954, Đại đội pháo 757 chuyển sang nhận nhiệm vụ phối hợp với Đại đội 316 đánh đồi A1. Sự tấn công như vũ bão của ta, buộc địch phải đầu hàng. Từ chiều tối 7-5, tiếng bom đạn, máy bay, xe tăng địch im bặt. Thay vào đó là tiếng reo hò như sấm dậy vang động cả núi rừng của các chiến sĩ ta. “Bội đội, dân công, đồng bào các dân tộc ôm nhau mừng vui khôn xiết. Cả núi rừng Tây Bắc đêm đó không ngủ để mừng đại thắng”, CCB Phạm Hào hân hoan kể.
Còn với cựu thanh niên xung phong Hồ Thừa (SN 1937, hiện ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức), trong quá trình phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông bị bệnh sốt rét. Do vậy, ngày đại thắng cũng là lúc ông đang nằm điều trị bệnh ở tuyến sau. Nhận được tin chiến thắng, ông Hồ Thừa đã không giấu được niềm vui và những giọt nước mắt hạnh phúc...
Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã bảo vệ và phát triển thành quả của Cách mạng Tháng Tám, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, đưa cách mạng Việt Nam bước sang một giai đoạn mới: Miền Bắc tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, miền Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, hoàn thành độc lập dân tộc, dân chủ và thống nhất đất nước.
Bài, ảnh: BẢO KHÁNH