.
KỶ NIỆM 200 NĂM NGÀY SINH C.MÁC (5-5-1818 – 5-5-2018):

Di sản tư tưởng của C.Mác trong thời đại ngày nay

Cập nhật: 16:03, 04/05/2018 (GMT+7)

Nhân kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác - Nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trân trọng giới thiệu nội dung chính bài viết của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

C.Mác  (1818-1883).
C.Mác (1818-1883).

Giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới đang long trọng kỷ niệm 200 năm Ngày sinh của C.Mác (5-5-1818 - 5-5-2018) - nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Thời gian càng lùi xa, nhìn lại cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của C.Mác, chúng ta càng thấy rõ, ông không chỉ là nhà tư tưởng vĩ đại, đã giải đáp được các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên, mà còn là vị lãnh tụ thiên tài, một người bạn, một người đồng chí chân thành, chung thủy, một mẫu mực về đạo đức cách mạng hết sức cao đẹp, luôn lấy đấu tranh cho tự do và hạnh phúc của nhân loại làm lẽ sống, lý tưởng và sứ mệnh của cả cuộc đời.

Ðối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, chủ nghĩa Mác - Lê-nin có ý nghĩa rất sâu sắc. Từ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa của thực dân Pháp. Với truyền thống yêu nước nồng nàn, quyết không cam chịu nỗi tủi nhục của người dân mất nước, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào yêu nước và nhiều xu hướng giải phóng dân tộc đã diễn ra, nhưng tất cả đều thất bại hoặc không thu được thắng lợi cuối cùng, bởi thiếu một đường lối cách mạng đúng đắn để tập hợp, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Giữa lúc đó, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người đã tìm thấy ở đó những nội dung cơ bản của tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối cứu nước của dân tộc đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với chủ nghĩa yêu nước, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng lập nên Ðảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Từ khi thành lập năm 1930 đến nay, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài, gian khổ, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thắng lợi vĩ đại và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những thắng lợi vĩ đại mà Ðảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân Việt Nam giành được trong 88 năm qua, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc và hơn 30 năm đổi mới đất nước là minh chứng sinh động, khẳng định sự đúng đắn, giá trị, ý nghĩa to lớn và sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, mà C.Mác là một trong những lãnh tụ đầu tiên sáng lập.

Hơn một thế kỷ qua, từ khi hình thành, xác lập đến nay, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã trải qua nhiều giai đoạn thử thách, nhiều lần bị các trào lưu tư tưởng đối lập phê phán, nhất là từ khi mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và các nước Ðông Âu sụp đổ, các hoạt động bài xích, xuyên tạc, phủ định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bác bỏ vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, bác bỏ con đường xã hội chủ nghĩa cũng như công lao, cống hiến của C.Mác càng gia tăng và được thực hiện dưới nhiều chiêu bài tinh vi, xảo quyệt. Nhưng với bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn sâu sắc, chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn khẳng định được giá trị to lớn, sức sống bền vững và ý nghĩa thời đại. Lý luận về chủ nghĩa xã hội khoa học luôn lôi cuốn hàng triệu triệu trái tim, khối óc của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Những nhân tố của chủ nghĩa xã hội vẫn đang nảy sinh và phát triển ngay trong lòng nhiều nước tư bản. Dù tình hình thế giới có xảy ra nhiều biến cố, thăng trầm, nhưng vẫn không đi ngoài những quy luật phổ biến đã được C.Mác tổng kết. Một khi xã hội còn giai cấp, đối kháng giai cấp thì chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn là kim chỉ nam, định hướng cho sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng con người.

Thấm nhuần sâu sắc nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lê-nin: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”, Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; “Ðảng lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động...”. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Ðảng luôn trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam, với sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Song, từ bài học thành công, thất bại của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Ðông Âu, Ðảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực đổi mới tư duy lý luận, nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin là hệ thống mở, vì vậy cần phải chú trọng vận dụng sáng tạo và không ngừng bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế thời đại, như C.Mác và Ph. Ăng-ghen thường nhắc nhở: Bất cứ ở đâu, bất cứ vào lúc nào thì việc vận dụng tư tưởng trong học thuyết của các ông cũng phải căn cứ vào bối cảnh cụ thể của xã hội đương thời. Tổng kết 30 năm đổi mới đất nước (1986 - 2016), bài học đầu tiên trong 5 bài học mà Ðảng Cộng sản Việt Nam rút ra là: “Trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam”. Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Ðảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…”. Ðó chính là tinh thần cách mạng, khoa học của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Trân trọng giá trị và ý nghĩa lớn lao của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cùng với giai cấp công nhân và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới, giai cấp công nhân Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam tự hào và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với C.Mác, nhà tư tưởng vĩ đại, vị lãnh tụ thiên tài của mình - Người đã đặt nền móng và định hướng phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Tư tưởng của C.Mác đã trở thành nội dung cốt lõi, là thế giới quan khoa học, phương pháp luận khoa học trong nhận thức và cải tạo thế giới. Di sản của ông đã và đang định hướng cho con người nhận thức và giải quyết những vấn đề hết sức phức tạp trong cuộc sống đa dạng, đầy biến động của thế giới hiện nay.

Kỷ niệm 200 năm Ngày sinh C.Mác là dịp để chúng ta bày tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn vinh và tri ân một con người đã cống hiến cả cuộc đời cho một xã hội mà ở đó “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”. Ðây cũng là dịp để một lần nữa chúng ta nhìn nhận lại giá trị những di sản tư tưởng của ông, phương pháp vận dụng những di sản ấy vào hoạt động của mỗi đảng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong sự phân cực, đa phương, đa chiều, đầy biến động của thế giới hiện nay; đồng thời đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, phủ định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và công lao, cống hiến vĩ đại của C.Mác đối với nhân loại, để cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.

VÕ VĂN THƯỞNG
(Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương)

.
.
.