.

Chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"

Cập nhật: 15:11, 06/05/2018 (GMT+7)

Ngày 7-5-1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, đồng thời cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới; tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954); buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. 

Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu
Lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Ảnh: Tư liệu

Ngay từ cuối năm 1953, đầu năm 1954, khi bắt đầu triển khai Kế hoạch Na-va, phát hiện sự di chuyển của quân ta lên hướng Tây Bắc, tướng Henri Navarre đã quyết định tăng cường lực lượng và xây dựng Điện Biện Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh. Thực dân Pháp đã điều động và bố trí lực lượng ở Điện Biên Phủ lúc cao nhất lên đến 16.200 quân cùng nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, tại 49 cứ điểm với 3 phân khu: Phân khu Bắc, Phân khu Nam và Phân khu Trung tâm.

Trước âm mưu và hành động mới của địch, ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị đã tổ chức cuộc họp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đánh giá tầm quan trọng của chiến dịch này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho trận quyết chiến Điện Biên Phủ, song song với công tác chuẩn bị được tiến hành khẩn trương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở 5 đòn tiến công chiến lược vào Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào. Qua đó, ta vừa tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất đai, vừa buộc địch phải phân tán lực lượng, Kế hoạch Nava không thực hiện được theo dự kiến, muốn tập trung nhưng lại buộc phải phân tán binh lực, muốn giành quyền chủ động nhưng càng bị động đối phó.

Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, đặc biệt là quán triệt nguyên tắc chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh “đánh chắc thắng”, tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Đây là một quyết định khó khăn nhất, nhưng là một chủ trương kịp thời, chính xác phù hợp với thực tế toàn chiến trường và tình hình cụ thể của Mặt trận.

Chiến dịch Điện Biên Phủ gồm 3 đợt. Đợt 1, từ 13 đến 17-3-1954; đợt 2, từ 30-3 đến 30-4-1954; đợt 3, từ 1 đến 7-5-1954. Ngày 1-5, bộ đội ta đồng loạt tiến đánh nhiều vị trí. Trên dãy đồi phía Đông, ta nhanh chóng tiêu diệt gọn cứ điểm C1, vây lấn và chuẩn bị tiến công tiêu diệt C2. Sáng 2-5, ta làm chủ hai cứ điểm 505 và 505A. Ở phía Tây, cứ điểm 311A bị tiêu diệt. Ở Phân khu Hồng Cúm, quân địch tiếp tục bị diệt. Đêm 3-5, cứ điểm 311B bị tiêu diệt, Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị uy hiếp nghiêm trọng. Đến 17 giờ ngày 6-5, quân ta mở cuộc tiến công tiêu diệt cứ điểm A1. Ta cho nổ khối bộc phá gần 1.000kg đặt dưới đường hầm đào sâu vào cứ điểm địch, đồng thời bộ đội từ 3 hướng đồng loạt xung phong. Đến 4 giờ 30 phút ngày 7-5, ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm A1. Thắng lợi của trận tiến công đồi A1 góp phần quyết định cho chiến dịch chuyển sang tổng công kích giành toàn thắng. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7-5, Đờ Ca-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.