Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV: Tăng cường kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, ngày 30-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đại biểu Dương Minh Tuấn (tỉnh BR-VT) cho rằng: Quốc hội cần đưa Luật Giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2019 vì lĩnh vực này có nhiều vấn đề nảy sinh, cần sớm được điều chỉnh. Ảnh: HUỲNH KHÁNG |
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trong việc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất nguyên tắc: Ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Quốc hội; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội. Việc đưa các dự án vào Chương trình phải tính đến quỹ thời gian, nguồn lực, khối lượng công việc thực hiện tại mỗi kỳ họp Quốc hội và khả năng của các cơ quan có liên quan, đặc biệt coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng...
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018. Theo đó, tại Kỳ họp thứ 5, trình Quốc hội thông qua 8 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến 8 dự án luật. Tại Kỳ họp thứ 6, trình Quốc hội thông qua 10 dự án luật; cho ý kiến 6 dự án luật và bổ sung dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường. Đối với Chương trình năm 2019 sẽ gồm 18 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định chỉ rõ: Theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), hiện nay còn ít nhất 7 dự án luật cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thành trong năm 2018 và năm 2019. Các dự án Luật đó gồm: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Công đoàn. Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Kiểm toán nhà nước khẩn trương chỉ đạo sát sao việc chuẩn bị các dự án cần được ban hành theo yêu cầu của Nghị quyết Trung ương, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Pháp luật và các cơ quan khác có liên quan của Quốc hội sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, đưa vào Chương trình.
Về Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, theo trình bày của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 31 điều; bổ sung 2 điều mới; bỏ một số điều khoản… đồng thời rà soát chỉnh sửa tên một số điều về mặt kỹ thuật.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học; nhất trí với đề xuất rà soát toàn diện, nhưng lựa chọn một số vấn đề cốt lõi để sửa đổi, bổ sung như Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi Luật một cách căn cơ hơn, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế.
Đối với giá dịch vụ đào tạo, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, Ủy ban không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo Luật và đề nghị vẫn sử dụng khái niệm “học phí” như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
PHAN PHƯƠNG