Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Lời để lại đơn sơ, thân thiết, nhưng chứa đựng lòng nhân văn cộng sản sâu sắc và trở thành thông điệp về lẽ sống suốt đời trong mỗi cán bộ, đảng viên.
Các cựu chiến binh Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng ôn lại những năm tháng kháng chiến ác liệt tại Đài tưởng niệm liệt sĩ cầu Cỏ May. |
Đồng chí - hai từ thiêng liêng dành cho những người cùng chí hướng, cùng chung quan điểm, mục đích sống và cùng đấu tranh cho mục tiêu, lý tưởng vì độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Dù xuất thân từ các giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội, nhưng mỗi khi đã tự nguyện cùng đứng dưới lá cờ của Đảng để chiến đấu vì một mục tiêu chung, Hồ Chí Minh luôn chú trọng và đòi hỏi tất cả các thành viên của Đảng đều “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Trong sâu thẳm của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều tỏa sáng tình đồng chí, nghĩa đồng bào, trọn tình, vẹn nghĩa. Người mong muốn Đảng ta - đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc phải trở thành biểu tượng cao thượng, đẹp đẽ nhất của tình người, tình đồng chí gắn bó, keo sơn. Lời căn dặn bình dị và rất con người ấy, Hồ Chí Minh muốn hướng tới và kỳ vọng cán bộ, đảng viên xích lại bên nhau thành một khối đoàn kết, thống nhất, cùng nhìn về một hướng, phấn đấu đến cùng cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng và xây dựng Đảng “là đạo đức, là văn minh” thành tượng đài bền vững trong lòng nhân dân.
Người dạy “Con người ta trước hết phải có đạo đức, sống với nhau phải có tình, có nghĩa. Nếu đọc bao nhiêu sách chủ nghĩa Mác – Lênin mà sống với nhau không có tình có nghĩa, thì chỉ là giáo điều, sách vở”. Cái tình, cái nghĩa trong con người Hồ Chí Minh chính là Người nhớ tất cả, quan tâm, chăm lo đến tất cả, có chăng chỉ quên mỗi bản thân mình. Người vui cùng niềm vui của cán bộ, chiến sĩ; buồn đau cùng nỗi buồn đau của cán bộ, chiến sĩ. Người chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, điều kiện làm việc đến ban hành những quyết định về chế độ, chính sách cho cán bộ, chiến sĩ. Người từng sẻ bát cháo làm ba, bẻ bắp ngô luộc làm hai để ăn cùng chiến sĩ. Chiếc áo nước bạn tặng, Người đã tặng lại cho cấp dưới của mình: “Chú mang cho ấm cũng như tôi”. Có củ sâm, Người dành cho những cán bộ bị bệnh, ốm yếu: “Bác khỏe, không dùng đến, chú dùng cho mau lại sức”. Đồng bào Sơn La tặng Người một chiếc nệm, nhưng Người đã dành tặng cho một cán bộ lão thành cách mạng. Tiêu chuẩn thuốc men của Bác, Người đều dành cho cấp dưới của mình. Đi chiến dịch Biên Giới, có con ngựa dành riêng cho Bác, Người dứt khoát khước từ mà dùng ngựa để chở toàn bộ đồ đạc của 7 chiến sĩ đi cùng. Mùa hè năm 1967, Người gửi toàn bộ số tiền nhuận bút trong sổ tiết kiệm của mình tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ canh giữ bầu trời Thủ đô để mua nước uống… Người dặn: Tình thương yêu đồng chí không phải là “vỗ về, nuông chiều, thả mặc, mà phải thật sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau”. Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên sống, làm việc với nhau mà không dành cho nhau tình cảm yêu thương chân thành thì mọi việc cũng trở nên vô nghĩa. Sống cùng nhau, bảo ban nhau, chỉ cho nhau những thói hư tật xấu ngay từ mầm mống, đừng để “sai lầm và khuyết điểm to tát rồi mới đem ra “chỉnh”... thế là “đập” cán bộ. Cán bộ bị “đập” mất cả lòng tin, người hăng hái cũng tỏ ra nản chí”.
Người hết mực thương yêu nhưng rất nghiêm khắc với những hành vi sai trái của cán bộ, chiến sĩ, khi cần dù đau đớn nhưng Người vẫn sử dụng mức hình phạt cao nhất. Người dạy, yêu thương không có nghĩa là “bảo hộ, che đậy, giấu diếm” khuyết điểm, sai lầm cho nhau, mà yêu thương “là luôn chú ý đến công tác của họ, kiểm thảo họ. Hễ họ có khuyết điểm thì giúp họ sửa chữa ngay”. Trong phê bình cũng phải dựa trên tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, nghĩa là phải tôn trọng nhau, mở rộng lòng bao dung, độ lượng, vị tha, phê bình đúng cách, đúng lúc, đúng chỗ, đúng nơi “làm cho phần tốt nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Phê bình phải “kiên quyết, triệt để, thật thà, không nể nang, không né tránh, không thêm bớt”; phải phân tích rõ ràng cái đúng, cái sai, nguyên nhân đúng sai, chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, thâm độc,“đập một cái cho chết tươi”; tuyệt đối không được xúc phạm đến nhân phẩm, lợi dụng dậu đổ bìm leo, bới móc, hạ bệ nhau. Cán bộ, đảng viên vi phạm không coi họ như “hổ mang, thuồng luồng” mà phải “dùng cách thuyết phục giúp họ sửa chữa”, nếu thật sự ăn năn, hối lỗi, quyết tâm phấn đấu tiến bộ thì sẵn sàng tha thứ “đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người quay lại”. Không nên thành kiến với quá khứ của cán bộ, có sai lầm nếu quyết chí cầu thị vẫn trọng dụng, đừng “bỏ rơi” họ.
Theo gương Người, trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, 2 từ “đồng chí” càng trở nên vô cùng cao cả, thiêng liêng trong Đảng, trong dân. Những người cộng sản đã để lại hình ảnh đầy xúc động “Chết còn trao áo cho nhau. Miếng cơm còn để người sau ấm lòng”; tình đồng chí sâu nặng giúp họ sẵn sàng xả thân nhận khó khăn, gian khổ, hy sinh về mình, nhường thuận lợi, sự sống cho bạn. Tình đồng chí trở thành biểu tượng cao đẹp, tạo nên sức mạnh to lớn giúp Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử dân tộc giao phó. Hôm nay và mai sau, lời Người dạy và truyền thống của Đảng về tình đồng chí vẫn là mục tiêu và là trách nhiệm nặng nề của cán bộ, đảng viên phải phấn đấu, rèn luyện đến trọn đời để gìn giữ, vun đắp.
NGUYỄN QUANG PHI