.
HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH:

Tính cách mạng và khoa học hòa quyện trong phong cách Hồ Chí Minh

Cập nhật: 17:46, 10/04/2018 (GMT+7)

Tình cảm cách mạng trong sáng dẫn dắt Hồ Chí Minh đến với chủ nghĩa Mác - Lênin và khi kết hợp với trí tuệ của Người đã tạo nên nét đặc sắc, điển hình riêng: Phong cách làm việc khoa học Hồ Chí Minh.

Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ khối Cơ quan tỉnh học tập chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHÚC LƯU
Cán bộ, đảng viên của Đảng bộ Khối Cơ quan tỉnh học tập chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ảnh: PHÚC LƯU

Lòng yêu nước, thương dân là động lực đầu tiên thúc đẩy Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ra đi để “Xem các nước làm như thế nào rồi tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Hoài bão lớn lao, cháy bỏng ở Hồ Chí Minh là tìm bằng được con đường giải phóng dân tộc khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Năm 1920, tại Đại hội Đảng xã hội Pháp, Người thể hiện khát vọng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”. Khi đối mặt với Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp Xarô, ông ta vừa xoa dịu, vừa dọa dẫm, Người dứt khoát tuyên bố rằng: “Cái mà tôi cần nhất trên đời này là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập”. Sau này, khi trở thành Chủ tịch nước, Người luôn tâm niệm “Cả đời tôi chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân”. Với Người, làm cách mạng là phải đi đến cùng và thay đổi tận gốc, luôn luôn biết đổi mới, là “Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH” nhằm mang lại tự do, hạnh phúc thật sự cho nhân dân lao động. Đây là điểm nổi bật trong tính cách mạng Hồ Chí Minh. Yêu nước, thương dân, yêu thương đồng loại cần lao đã chi phối toàn bộ tư duy và hành động của Người. Tất cả những gì Người suy nghĩ và tất cả hành động của Người cũng nhằm thực hiện những suy tư, trăn trở chứa đựng tình cảm cách mạng tràn đầy vì con người và cho con người: “Tôi có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.

Khát vọng, hoài bão chỉ có thể trở thành hiện thực khi tình cảm cách mạng gắn kết được với tri thức khoa học và lấy khoa học làm nền tảng. Tính cách mạng và tính khoa học trong phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh đã gắn kết như một lẽ tự nhiên trong suốt cuộc đời hoạt động của Người. Yêu nước, thương dân, luôn muốn thay đổi, xóa bỏ cái cũ, xây cái mới, cùng với trí tuệ thông minh hiếm có, Người có phương pháp khoa học để tiếp cận, khám phá chân lý của thời đại. Đi, lắng nghe, nhìn, suy nghĩ, tham khảo, tiếp thu các nền văn hóa, mọi tri thức nhân loại tạo ra và kinh nghiệm đấu tranh của cách mạng thế giới đã giúp Người có nền tảng vững chắc. Đó là cơ sở khoa học để Người đưa ra những quyết định không chỉ mang tính nhân văn cộng sản sâu sắc, mà còn đi đúng quy luật phát triển của xã hội, xu hướng vận động của lịch sử và phù hợp với hoàn cảnh cũng như nguyện vọng của đại đa số nhân dân ta. 

30 năm đi gần khắp thế giới cho Người làm quen, đàm đạo, học hỏi kinh nghiệm của nhiều nhà hoạt động cách mạng, văn hóa nổi tiếng thế giới; nghiên cứu kỹ các cuộc cách mạng tư sản và nghiền ngẫm Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của nước Pháp (1789); tìm hiểu các học thuyết kinh tế của thời đại. Khi bắt gặp chủ nghĩa Mác – Lênin, nền tảng kiến thức khoa học cho Người lựa chọn không hề đắn đo con đường Cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc Việt Nam. Nắm chắc điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước, tình hình tác động của thế giới, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và sự chính nghĩa của ta, trong 2 cuộc chiến tranh giải phóng, Người kiên quyết: “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ. Chúng ta quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. 

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giữa muôn vàn khó khăn, thù trong, giặc ngoài, nắm vững đối phương và hiểu rõ về mình, Người đưa ra quyết định táo bạo triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù đưa cách mạng vượt qua khúc quanh hiểm nghèo của lịch sử. Sau năm 1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, miền Nam đế quốc Mỹ dần dần thay chân Pháp. Bằng sự nhạy cảm chính trị và trí tuệ tuyệt vời, Người cùng Trung ương Đảng sáng suốt quyết định đưa cách mạng Việt Nam tiến lên cùng thời đại. 

Trái tim tràn đầy tình cảm cách mạng hòa quyện với khối óc sáng suốt, minh mẫn, nhận thức khoa học đã tạo nên phong cách lãnh đạo đặc trưng của Người. Noi theo Người, cán bộ, đảng viên phải phấn đấu để trở thành con người vừa “hồng”, vừa “chuyên”. Rèn luyện phẩm chất nhiệt tình cách mạng, chuyên tâm lo toan, tận tụy, say mê với công việc vì dân, cho dân là điều cần thiết. Nhưng nhiệt tình cách mạng sẽ trở thành duy ý chí nếu thiếu tri thức khoa học và sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí còn gây ra những hậu quả khôn lường cho cách mạng. Người cán bộ, đảng viên không chỉ phải tránh xa lối tư duy và hành động xa rời thực tiễn, theo lối mòn, máy móc, rập khuôn, cứng nhắc, bảo thủ, trì trệ, mà còn phải không ngừng phấn đấu học hỏi, rèn luyện suốt đời như lời Người dặn: “Không ai được cho mình là biết đủ rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

NGUYỄN QUANG PHI

 
.
.
.