Cán bộ, đảng viên phải luôn là tấm gương trong sáng
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Lãnh tụ viết nhiều nhất về đạo đức cách mạng, nhưng những tác phẩm của Người về đạo đức lại rất cô đọng, ngắn gọn và súc tích. Người không muốn viết đạo đức dài dòng bằng lý thuyết, mà chủ yếu đạo đức của Người là thực hành bằng cách nêu gương, làm gương. Cả cuộc đời Người chính là tác phẩm đồ sộ, sáng ngời nhất về đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, cán bộ, đảng viên phải là tấm gương trong sáng cho quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa cấp tỉnh. Ảnh: TUỆ LÂM |
Mỗi khi nói đến Hồ Chí Minh, không chỉ nhân dân Việt Nam mà bạn bè khắp năm châu đều nghĩ ngay đến Người với những gì tốt đẹp nhất. Người là điển hình của đức khiêm nhường, cầu tiến bộ, lối sống trong sáng, giản dị, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người là Lãnh tụ xuất sắc nhất trong các Lãnh tụ xuất sắc về tinh thần “Dĩ công vi thượng”, tận tụy, hy sinh tất cả lợi ích riêng cho lợi ích dân tộc. Là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhưng với nhân dân, đồng chí, cán bộ cấp dưới, Người gần như không có khoảng cách bởi lòng yêu thương rất đỗi chân thành, khoan dung, độ lượng, vị tha. Người trở thành tượng đài trong tâm trí toàn Đảng, toàn dân và bầu bạn quốc tế bởi phẩm chất mẫu mực đã nói là làm, đã làm là hành động đến nơi, đến chốn; đã hứa là dù khó khăn, trắc trở đến bao nhiêu cũng gắng thực hiện cho bằng được. Người xứng đáng được thế giới hết lời ngợi ca “Tất cả những người cộng sản bất cứ ở đâu cũng đều tự hào về tấm gương của Hồ Chí Minh. Đồng chí là tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phong trào vĩ đại của chúng ta”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú tâm xây dựng làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu; luôn lấy những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội để giáo dục, cổ vũ các tầng lớp nhân dân. Tháng 6-1968, Người chủ trương xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”, với mục đích “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”, nhằm lan tỏa cái tốt, cái đẹp sâu rộng trong toàn xã hội. Người yêu cầu cao ở cán bộ, đảng viên phải là tấm gương trong sáng nhất cho quần chúng nhân dân học tập, làm theo. Người căn dặn: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, là cán bộ, đảng viên thì càng phải phấn đấu làm kiểu mẫu trong công tác, lối sống, ứng xử ở mọi lúc, mọi nơi. Trước sau như một, Người vẫn quan niệm “Một trăm bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống” nên Người đòi hỏi ở cán bộ, đảng viên: “Trước hết mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”, “nói phải đi đôi với làm”, “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.
Cán bộ, đảng viên là người đưa chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân và vận động, tổ chức nhân dân thực hiện, nhưng Người khuyên “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”. Người không chấp nhận những cán bộ, đảng viên: “Chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. “Nói miệng ai cũng nói được. Ta cần thực hành”, bởi nhân dân sẽ mất dần niềm tin với Đảng khi cán bộ, đảng viên nói nhiều, làm ít; thậm chí nói mà không làm; nói một đằng, làm một nẻo.
Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là lương tâm, trí tuệ, danh dự của thời đại. Đó không chỉ là bản chất của một Đảng Mácxít – Lêninnít, là niềm tự hào chính đáng của toàn Đảng, toàn dân, mà còn đặt lên vai những thành viên của Đảng trách nhiệm nặng nề trong đấu tranh bảo vệ thanh danh của Đảng. Hiện tại, Đảng đang quyết liệt thực hiện nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng, mà trước tiên là chỉnh đốn lại đội ngũ cán bộ, đảng viên để tạo dựng danh hiệu đảng viên cao quý – chiến sĩ cộng sản, người đầy tớ trung thành, tận tụy có chỗ đứng bền vững trong lòng nhân dân. Chúng ta cần ghi nhớ lời Người dạy: “Trước mặt quần chúng không phải viết lên trán hai chữ cộng sản mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ yêu mến những người có tư cách đạo đức”.
Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, bất tử, có sức hấp dẫn đến kỳ lạ và đó là cái đích vươn tới phù hợp với đòi hỏi tất yếu của sự nghiệp cách mạng, sự kỳ vọng của nhân dân. Cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện, tu dưỡng suốt đời, phải “làm gương cả 3 mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Muốn làm được, ta phải: Quyết tâm, chí tâm và đồng tâm. Ta nhớ 3 chữ ấy, thực hành làm gương nêu ba chữ ấy lên” đúng như lời Người dặn.
Nguyễn Quang Phi