Trân trọng giữ gìn, phát huy truyền thống là vinh dự, trách nhiệm của mỗi chúng ta
“Ôn cố tri tân”, đó vừa là đạo lý vừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường, của mở cửa hội nhập và đặc biệt là sự chống phá của các thế lực thù địch, trong xã hội đã xuất hiện một số biểu hiện phủ nhận thành quả cách mạng, thiếu tôn trọng lịch sử và công lao của thế hệ đi trước. Đây là những biểu hiện rất nguy hiểm mà chúng ta cần phải kiên quyết lên án, đấu tranh.
Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đã nêu 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, trong đó chỉ rõ tình trạng: “Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước...”.
Dư luận đồng tình với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc và cách đặt vấn đề hết sức rõ ràng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước thực trạng trên.
Cần phải khẳng định, không một lực lượng chính trị nào có thể phủ nhận được thực tế hết sức sinh động, đó là gần 90 năm kể từ ngày thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, bản chất giai cấp và vai trò lãnh đạo; kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Chính sự kiên định, vận dụng linh hoạt, sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của đất nước, đề ra những chủ trương, đường lối, quyết sách đúng đắn mà Đảng ta đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt những thắng lợi vĩ đại, những kỳ tích lịch sử mà dân tộc Việt Nam giành được trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà đã khẳng định rõ sự tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là trong 30 năm đổi mới, mặc dù đất nước đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng ta đã vững vàng chèo lái đưa cách mạng Việt Nam vượt lên giành được những thành tựu hết sức to lớn và toàn diện. Có thể khẳng định, 30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của đất nước Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân; là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”... Chúng ta có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống quý báu và lịch sử vẻ vang của Đảng ta, của dân tộc ta, của nhân dân và LLVT nhân dân ta.
Được sống trong hòa bình, độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc như hôm nay, nhìn lại chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào với những thắng lợi vẻ vang mà quân và dân ta đã giành được dưới sự lãnh đạo của Ðảng, chúng ta càng hiểu sâu sắc về quá khứ hào hùng, càng thấm thía và biết ơn công lao to lớn của Bác Hồ; càng thấu hiểu, tin yêu và tự hào thêm về dân tộc ta-một dân tộc anh hùng, thông minh và sáng tạo; tự hào về Ðảng Cộng sản Việt Nam-Đảng cầm quyền luôn một lòng một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chúng ta tự hào về Quân đội nhân dân Việt Nam-một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Thực tế lịch sử rất rõ ràng, thế nhưng, một bộ phận cán bộ, đảng viên do thiếu vững vàng về bản lĩnh chính trị; mơ hồ, ảo tưởng trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch và những phần tử cơ hội chính trị, phản động, với cái nhìn thiển cận đã có những lời nói và việc làm phụ họa cho những giọng điệu phản động nhằm phủ nhận thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm để từ đó đi đến hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng; xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo, nói xấu xúc phạm các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; quân đội...
Chúng ta chẳng lạ gì những chiêu trò này. Bởi trên thực tế đã không ít chiến thắng, sự kiện lịch sử và một số lãnh tụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã bị các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính trị, phản động xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu một cách trắng trợn. Nhưng tất cả những giọng điệu đó đều bị thực tiễn lịch sử bác bỏ và dư luận lên án, nguyền rủa. Bởi đó là những hành vi thấp hèn của những kẻ vô ơn bạc nghĩa quay lưng với lịch sử truyền thống ông cha, xúc phạm đến anh linh của hàng triệu người con ưu tú đã hy sinh thân mình vì sự trường tồn của dân tộc.
Trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả cách mạng là trách nhiệm của mỗi chúng ta. Để đấu tranh, ngăn chặn những biểu hiện phủ nhận thành quả cách mạng, thiếu tôn trọng lịch sử truyền thống và công lao của thế hệ đi trước, việc giáo dục nâng cao hiểu biết và lòng tự hào về quá khứ hào hùng, truyền thống vẻ vang của Đảng, của đất nước cho nhân dân, đặc biệt cho thế hệ trẻ là điều rất quan trọng và vô cùng cần thiết. Đây là công việc phải thường xuyên, liên tục, bằng nhiều biện pháp sinh động, phong phú, hiệu quả. Phải làm sao để mọi người dân ý thức sâu sắc rằng, chúng ta không được phép lãng quên mà phải luôn khắc ghi, tưởng nhớ, tri ân các lãnh tụ của Ðảng, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào, đồng chí đã đổ biết bao xương máu chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng viết nên những trang sử hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh lâu dài và gian khổ giành độc lập, tự do cho nước nhà, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.
Đặc biệt là công tác giáo dục truyền thống trong điều kiện hiện nay không thể chỉ là những khẩu hiệu phô trương, hình thức hay bằng những lời nói suông, mà phải bằng những hành động tri ân thiết thực, hiệu quả. Với đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, những năm qua, chúng ta đã làm rất tốt công việc này. Đồng bào và chiến sĩ cả nước đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với các gia đình liệt sĩ; các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; các gia đình có công với cách mạng; các đồng chí thương binh, bệnh binh; các đồng chí, đồng bào đã từng bị địch bắt, bị giam cầm trong lao tù; các đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trên các mặt trận... bằng những hoạt động rất thiết thực. Những hoạt động như: Phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng; xây dựng nhà tình nghĩa; thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết... không chỉ giúp các gia đình có công với cách mạng, các gia đình liệt sĩ, thương binh... vơi đi những khó khăn trong cuộc sống mà còn là bài học giáo dục truyền thống hết sức sinh động, bổ ích. Các cuộc hành quân về nguồn, thăm các khu di tích lịch sử, dâng hương, thắp nến tri ân, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ... thực sự trở thành những bài học sinh động, hấp dẫn giáo dục lịch sử truyền thống dân tộc cho các bạn trẻ và các em học sinh.
Có thể nói, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” đã được lớp lớp thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử đất nước. Không chỉ nhằm tri ân sự hy sinh xương máu của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng... những hoạt động thiết thực ấy còn mang ý nghĩa lớn lao giúp cho mỗi người chúng ta thêm hiểu sâu sắc, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong giữ gìn, phát huy lịch sử truyền thống hào hùng của dân tộc, đấu tranh phản bác những giọng điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, ngăn chặn mọi biểu hiện vô ơn, bạc nghĩa, hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng và công lao to lớn của các bậc tiền nhân.
PHÙNG KIM LÂN
(qdnd.vn)