.
KỶ NIỆM 50 NĂM TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968:

"Đòn chí mạng" từ trong lòng địch

Cập nhật: 17:41, 14/01/2018 (GMT+7)

Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Buôn Ma Thuột đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta. Lần đầu tiên, một cuộc tấn công toàn diện về quân sự, chính trị, binh vận quy mô lớn diễn ra giữa lòng thị xã Buôn Ma Thuột đã làm thiệt hại nặng nề tiềm lực quân sự của địch

TỪ NHỮNG TRẬN NGHI BINH…

Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân Buôn Ma Thuột – một biểu tượng của tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của nhân dân DakLak trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: H.G
Tượng đài Chiến thắng Mậu Thân Buôn Ma Thuột – một biểu tượng của tinh thần chiến đấu anh dũng, ngoan cường của nhân dân DakLak trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ảnh: H.G

Vào thời điểm cuối năm 1967, địch ở Pleiku (Gia Lai) nhận được tin tình báo cho biết quân giải phóng có thể sẽ nổi dậy trong dịp Tết Mậu Thân. Còn tại Quy Nhơn, an ninh quân đội ngụy có được một số băng ghi âm mà chúng nghi là của cách mạng đã chuẩn bị phát trên đài phát thanh sau khi chiếm được Buôn Ma Thuột. Mặc dù “đánh hơi” biết là ta sắp đánh lớn, nhưng đánh vào đâu, thì vẫn là câu hỏi lớn khiến địch hết sức hoang mang.

Nắm được tâm lý địch, Tỉnh ủy Đắk Lắk và Ban Chỉ huy Mặt trận đã đưa ra quyết định táo bạo là tung một số đòn đánh nghi binh bất ngờ để tiêu diệt sinh lực địch, đồng thời kéo dãn lực lượng địch ra các vùng ven. Và có thể nói, đây là quyết định vô cùng đúng đắn, cần thiết, đã gây rối loạn, hoang mang cho đội hình địch trong giai đoạn quyết định này.

Các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được lệnh mở những đợt tập kích nhỏ, bất ngờ nhằm vào các chốt điểm lẻ trên các tuyến vòng ngoài thị xã Buôn Ma Thuột để căng kéo địch ra. Với lối đánh nhanh, rút gọn, nhằm vào nhiều mục tiêu, nhiều hướng, ta đã làm cho địch phải bị động đối phó khắp nơi. Và mục đích quan trọng ta đã đạt được là đánh lạc hướng khiến chúng không thể phán đoán được trọng tâm các hoạt động quân sự của ta trên chiến trường Buôn Ma Thuột.

Điển hình các trận đánh nghi binh địch là trận tập kích sân bay L19. Ngày 4-1-1968, Ban Chỉ huy Mặt trận quyết định hợp nhất các đại đội đặc công 308, 309 và 310 của tỉnh thành Tiểu đoàn đặc công 401. Ngay đêm đó, đơn vị này đã luồn sâu vào thị xã Buôn Ma Thuột, tập kích sân bay L19 bằng xung lực và pháo kích, mở màn cho những trận đánh vũ trang tiền tổng tấn công. Kết quả trận đánh này, ta đã đánh sập 2 lô cốt bảo vệ sân bay, phá hỏng 15 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu 73 tên địch.

Tiếp đến, vào đêm 21-1-1968, Tiểu đoàn 301 của ta dùng 2 đại đội bộ binh cùng với bộ đội Tiểu đoàn đặc công 401 bất ngờ đánh tập kích vào chi khu Lạc Thiện, ấp Liên Sơn (thuộc huyện Lak ngày nay) và các đồn bốt xung quanh, tiêu diệt gần 100 tên địch rồi nhanh chóng rút ngay trong đêm, không để lại dấu vết. Liên tiếp những ngày sau, bộ đội ta dồn dập mở những đợt tấn công các ấp chiến lược quan trọng của địch ở phía bắc thị xã Buôn Ma Thuột như: ấp buôn Trinh, ấp buôn Win, ấp Cuôr Đăng và nhiều lần phục kích địch trên đèo Hà Lan… Những trận đánh này đã gây cho địch những tổn thất lớn về sinh lực.

ĐẾN “ĐÒN CHÍ MẠNG” TỪ TRONG LÒNG ĐỊCH

Cùng với những trận đánh nghi binh gây choáng váng cho địch thì cơ sở của ta trong lòng địch cũng nhận được lệnh hành động. Và điển hình cho thành quả binh vận của ta chính là vụ đánh nổ kho đạn Mai Hắc Đế và vụ đánh kích nổ ngay trong sào huyệt Sư đoàn 23 - cơ quan đầu não quân chủ lực ngụy ở Tây Nguyên.

Kho Mai Hắc Đế là kho đạn lớn nhất của địch ở Tây Nguyên. Đây là kho có một hệ thống hầm chứa liên hoàn kiên cố, nằm sâu dưới mặt đất. Xung quanh căn cứ là một hệ thống gồm nhiều lớp hào kẽm gai dày đặc có lính tuần tra canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Kho Mai Hắc Đế được xem là khu kho an toàn nhất của cả vùng chiến lược miền Trung của Mỹ - ngụy. Để tạo tiếng vang trước giờ G của Chiến dịch Mậu Thân, Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí phương án dùng nội tuyến đánh kho đạn này bằng chất nổ. Người được giao trọng trách này là đồng chí Nguyễn Luyện, cơ sở cách mạng trong đại đội sửa chữa quân cụ khu kho Mai Hắc Đế. Đêm 18-1, một mình anh qua mắt bọn lính gác, đột nhập vào kho đạn cài thuốc nổ. Đến mờ sáng hôm sau (ngày 19-1-1968) công việc cài đặt chất nổ hoàn thành, sau đó anh mới lẻn ra ngoài bí mật đạp xe về nhà ở đường Đào Duy Từ. Khi anh vừa về đến nhà thì cũng là lúc những tiếng nổ khủng khiếp bất ngờ phát ra từ hệ thống hầm chứa kho Mai Hắc Đế. 12 trong số 16 hầm kho liên hoàn đã bị phá hủy sau trận đánh. Kho Mai Hắc Đế cháy và nổ liên tục trong 2 ngày đêm, hơn 4.000 tấn bom đạn của địch bị phá hủy hoàn toàn. Vụ nổ cũng đã tiêu diệt được hàng trăm tên địch trong đội quân bảo vệ và đồn trú tại chỗ và chung quanh khu vực kho đạn.

Sau vụ nổ, tinh thần của địch trong các căn cứ vô cùng hoảng loạn, chúng chưa kịp hình dung được điều gì sẽ xảy ra trong những ngày tiếp theo thì một vụ nổ khác tại Sư đoàn bộ 23 của địch đã bồi thêm một đòn chí mạng vào tinh thần của quân đội địch vào ngày 21-1-1968. Phòng họp của Sư đoàn 23 phát ra tiếng nổ lớn từ cây thuốc Rubi, đánh sập cả tầng nhà nơi bọn chúng đang họp. Vụ nổ đã khiến gần 60 sĩ quan của địch chết và bị thương.

Những trận đánh mưu trí, dũng cảm trên chiến trường Tây Nguyên đã góp công vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán Hiệp định Paris.

NGUYÊN CHƯƠNG
(Tổng hợp)

.
.
.