Bảo đảm vũ khí tại chỗ cho Tổng tiến công và nổi dậy
Cùng với sự chi viện khẩn trương, kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam của các cơ sở quân giới miền Bắc, ở miền Nam, để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các cơ sở quân giới đã tăng cường nghiên cứu, sản xuất, cải tiến vũ khí, khí tài phù hợp với điều kiện thực tế tác chiến.
Thợ quân giới Xưởng miền Đông Nam bộ chế tạo vũ khí phục vụ chiến trường (tháng 10-1967). Ảnh tư liệu |
Nhằm kịp thời phục vụ hoạt động tác chiến ngày càng tăng tại các mặt trận, tháng 3-1967, Quân khu Trị-Thiên thành lập Xưởng Quân giới X31, với nhiệm vụ sản xuất các loại mìn, lựu đạn, quân cụ, sửa chữa vũ khí. Tháng 7-1967, Bộ tư lệnh Quân khu 5 thành lập cơ quan quân giới Mặt trận 4, một mặt trận mới được tổ chức để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, trực tiếp chỉ đạo các Xưởng X71 và X74. Tháng 12-1967, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên thành lập Xưởng Sửa chữa và Sản xuất vũ khí X53, để thống nhất chỉ đạo và tăng cường khả năng sản xuất, chế tạo vũ khí của các xưởng quân giới.
Quán triệt đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, phong trào “quân giới nhân dân” phát triển mạnh mẽ ở các địa phương miền Nam. Bên cạnh các xưởng sản xuất, sửa chữa vũ khí, khí tài trực thuộc Bộ tư lệnh Miền hoặc quân khu, các cơ sở quân giới của các tỉnh, huyện cũng được phát triển, trở thành hệ thống cơ sở quân giới rộng khắp. Tính đến cuối năm 1967, hầu hết các tỉnh đồng bằng Quân khu 5 đều xây dựng được các tổ quân giới huyện. Ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đà, 100% số huyện và 76% số xã vùng giải phóng xây dựng được các cơ sở quân giới. Ở một số huyện của Quảng Nam, Quảng Đà, 100% số thôn có tổ quân giới.
Trong điều kiện hoạt động hết sức khó khăn, nhưng các cơ sở quân giới đã chủ động khắc phục, duy trì hoạt động nghiên cứu, cải tiến, sản xuất một số loại vũ khí phù hợp với tác chiến thành phố, tiêu biểu như: mìn đánh xe MC-7, lựu đạn ghép mảnh. Đặc biệt, việc nghiên cứu sản xuất lựu đạn ghép mảnh thành công khắc phục được khó khăn về đúc gang và thiếu gỗ làm cán, tạo điều kiện cho các cơ sở quân giới duy trì khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về lựu đạn. Khai thác ưu điểm của lựu đạn mới này, đồng thời tận dụng nguồn nhôm thu được từ xe M113 và vỏ bom napan, Phòng Quân giới Miền xúc tiến nghiên cứu chế tạo loại lựu đạn ghép mảnh cán nhôm loại nhỏ cỡ 40mm. Đây là loại lựu đạn gọn nhẹ, dễ bảo quản, mật độ mảnh phân phối đều các hướng, uy lực sát thương cao, được sử dụng rất hiệu quả trong các trận đánh dịp Tết Mậu Thân 1968.
Để đáp ứng yêu cầu của các hình thức chiến thuật đánh vùng ven và trong đô thị, Phòng Quân giới Quân khu 5 phối hợp với Xưởng C36 nghiên cứu chế tạo thành công loại mìn lõm cỡ lớn, nặng 16-18kg thay cho bộc phá ống, có thể phá hủy hàng rào dây kẽm gai kết hợp với bãi mìn xung quanh căn cứ địch, chiều rộng phá hủy khoảng 12m. Ngành quân giới Quân khu 5 còn phối hợp với các địa phương cải tiến súng đại liên thu được của địch lắp vào chân súng đại liên Mas dùng bắn máy bay; nghiên cứu ngòi mìn đánh máy bay trực thăng; chế tạo lựu đạn phóng trên súng K44, lựu đạn chạm nổ, các loại mìn cỡ nhỏ dùng đánh các mục tiêu trong thành phố, tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch có hiệu quả... Khắc phục thiếu thốn về nguyên vật liệu, các cơ sở quân giới trực thuộc Bộ tư lệnh Miền, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chủ động khai thác nguyên vật liệu tại chỗ; tận dụng các đồ phế liệu để sản xuất vỏ lựu đạn, thủ pháo, ống bộc phá. Nhiều xưởng tổ chức tìm kiếm thu nhặt bom, mìn lép của địch sử dụng làm nguyên liệu chế tạo các loại mìn định hướng, sản xuất các loại quân cụ...
Việc bảo đảm vũ khí, trang bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được chuẩn bị và tổ chức thực hiện hết sức công phu. Trong nội đô, nhiều tổ chức-cơ sở cách mạng của ta đã sử dụng phương tiện vận tải (ô tô, xuồng máy) hợp pháp, đêm ngày bí mật ra vùng giải phóng nhận lương thực, thuốc men, súng đạn đưa về nội đô... Với cách làm đó, ta đã đưa một lực lượng lớn bộ đội chủ lực cùng với khối lượng lớn vũ khí trang bị quân sự vượt qua hệ thống trạm kiểm soát và mạng lưới mật vụ, biệt kích, thám báo dày đặc của địch, vào “lót sẵn” trong nội đô. Nhân dân các thành phố, thị xã bí mật đào những căn hầm chứa vũ khí trang bị ngay dưới nền nhà của mình; nhiều bà má, chị em không quản gian khổ, hiểm nguy, hy sinh để vận chuyển vũ khí vào thành phố... Nhờ đó, các lực lượng của ta có khá đầy đủ vũ khí trang bị “nằm sẵn” trong lòng thành phố, thị xã, quận lỵ, sẵn sàng chờ lệnh nổ súng tiến công tiêu diệt địch, góp phần làm nên thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Đại tá VŨ HỒNG KHANH