.
GÁC HẢI ĐĂNG Ở TRƯỜNG SA

Bài 3: Phút thư giãn của người gác đèn

Cập nhật: 08:59, 15/05/2013 (GMT+7)

Trồng rau, câu cá, chơi đàn guitare, tập luyện thể dục thể thao… là những thú vui của công nhân trạm hải đăng ở quần đảo Trường Sa sau giờ làm việc.

5921.zip
Công nhân trạm hải đăng Sơn Ca, anh Nguyễn Hồng Minh, 35 tuổi, đang chăm sóc đàn vịt con mới nở.

Hằng ngày, lịch làm việc của công nhân trạm đèn khu vực Trường Sa chia làm 4 ca: 0 giờ đến 4 giờ, 4 giờ đến 10 giờ, 10 giờ đến 18 giờ và 18 giờ đến 24 giờ. Ở mỗi ca, họ phải leo lên các tháp đèn kiểm tra tầm hiệu lực ánh sáng; theo dõi hoạt động của các thiết bị đèn; vệ sinh đèn chính, đèn phụ, nhà pha, pin năng lượng mặt trời và khu vực trạm; chạy máy phát điện và thông tin liên lạc… nhằm bảo đảm đèn hoạt động liên tục từ 17 giờ 30 phút chiều đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau. Để  duy trì và bảo đảm hoạt động thông suốt của trạm, mỗi ca trực, người gác đèn phải ghi chép đầy đủ, kịp thời, chính xác nhật ký trạm đèn biển, nhật ký máy phát điện... Trong quá trình đèn được thắp sáng, người trực còn phải quan sát trên không, trên biển, xung quanh khu vực trạm đèn, kiểm tra đặc tính chớp, chu kỳ quay của đèn. Nếu phát hiện thấy có gì trục trặc thì họ phải có phương án sửa chữa kịp thời.

Anh Trịnh Văn Nguyên, 43 tuổi, công nhân trạm Trường Sa Lớn, cho biết, 17 năm làm việc tại các trạm hải đăng ở Trường Sa, chỉ cần nhìn sơ qua hay nghe tiếng máy là có thể biết máy móc đang bị “bệnh” gì. Ví dụ như máy sạc ắc quy đang chạy bình thường mà nghe tiếng “tạch” một cái thì chắn chắn dây curoa bị đứt, còn những lúc mà máy đột nhiên “sụt” nhanh xuống, chứng tỏ bị lệch xupap. “Không ít người nghĩ rằng, công nhân làm việc ngoài này thời gian rảnh rỗi nhiều, nhưng đối với tôi thì điều đó lại ngược lại. Ngày nào tôi cũng tự lên thời gian biểu cho mình để cuộc sống thêm phần ý nghĩa và vơi bớt cảm giác nhớ nhà, nhớ đất liền. Ngoài trồng rau, chăn nuôi, tôi còn tự học qua sách báo, qua mạng internet để biết cách sửa chữa các đồ vật bị hư hỏng. Những chiếc quạt, đèn, bộ bàn ghế, máy mài, máy khoan… tưởng chừng như không còn sử dụng được nữa, nhưng tôi đã làm cho nó hoạt động tốt trở lại. Việc làm này giúp tiết kiệm chi phí cho trạm và tình cảm anh em cũng được gắn bó hơn”.

5921.zip
Anh Phạm Văn Tuệ, 37 tuổi, lặn tìm ốc kẹp tại trạm hải đăng Đá Lát, để chuẩn bị cho bữa ăn tối.

Tuy những người gác đèn ở Trường Sa đến từ nhiều vùng, miền khác nhau, nhưng họ đều coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Sống xa nhà, xa người thân nên họ luôn đùm bọc, che chở và chỉ bảo tận tình cho nhau trong công việc và cuộc sống. Khi mới ra trạm, không ít người chưa biết trồng rau và chăn nuôi, nhưng sau một thời gian học hỏi thì khả năng đã được nâng lên rõ rệt và cảm thấy thích thú với công việc này. “Chúng tôi cũng như tất cả cán, bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo Trường Sa đều coi “rau là thuốc, nước là máu”. Bên cạnh việc tiết kiệm nước, trồng rau cũng được coi là một trong nhiệm vụ quan trọng và mang lại thú vui cho mọi người. Quan sát từ lúc gieo hạt, nảy mầm, cho tới lúc nó trưởng thành, xanh tươi, mơn mởn, tôi cảm thấy cuộc sống nơi đây không hề tẻ nhạt mà lại có cái hay riêng. Ngoài trồng mồng tơi, rau ngót, cải bẹ và cây mãng cầu, đu đủ, chuối…, trạm chúng tôi còn nuôi thêm hơn 20 con vịt, ngan để lấy trứng cải thiện bữa ăn hàng ngày”, anh Nguyễn Long Tuấn, 38 tuổi, công nhân trạm Song Tử Tây, khoe.

Mặc dù sinh hoạt trong không gian chật hẹp và gò bó, khiến việc trồng trọt, chăn nuôi khó khăn hơn so với các đảo nổi, nhưng việc đánh bắt hải sản quanh khu vực đảo chìm lại dễ dàng hơn. Anh Phạm Văn Tuệ, 37 tuổi, quê ở TP. Vũng Tàu, công nhân đảo Đá Lát cho biết, mỗi khi thủy triều lên, anh em thưởng rủ nhau đi săn ốc kẹp, thường bám chặt vào các tảng san hô trên đảo chìm. Muốn bắt ốc kẹp phải dùng xà beng cậy ra, rồi ngâm gần trạm hải đăng để khi nào cần thì vớt lên ăn. Mùi vị của nó thơm, ngon giống như ăn sò. Không chỉ ốc kẹp, ở đây còn có ốc nón, ốc hương và ốc “thông tin” (do mọi người tự đặt tên vì trông nó tương tự máy điện thoại và khi gió thổi vào vỏ ốc nghe giống như tiếng tù và). Ngoài ra, đi câu và thả lưới cũng bắt được rất nhiều loại hải sản, thậm chí có hôm còn mang về được 15 đến 30 kg các loại cá như: cá thu bè, cá chép biển, cá hồng…

Buổi chiều, các hoạt động vui chơi, văn nghệ thể dục thể thao cũng diễn ra sôi nổi tại các trạm hải đăng ở Trường Sa. Bên cây đàn guitare thùng của mình, anh Nguyên lần lượt đệm đàn cho mọi người hát các ca khúc ca ngợi người lính, quê hương, đất nước... Tiếng guitare lúc trầm lúc bổng, lúc lại rộn ràng hòa cùng giọng hát của anh em trạm đèn và các chiến sĩ bộ đội làm cho không khí nơi đây luôn vui tươi và tràn ngập tiếng cười. Tại trạm hải đăng Sơn Ca, bóng bàn và tập tạ là 2 môn thể thao rất được các anh ưa thích. “Ngoài việc nâng cao sức khỏe và xả stress sau ca trực, chơi thể dục thể thao giúp công nhân trạm đèn và cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo gắn bó với nhau hơn”, anh Nguyễn Hồng Minh, 35 tuổi, công nhân trạm hải đăng Sơn Ca tâm sự.

Bài, ảnh: NAM PHƯƠNG

.
.
.