Bị nợ tiền gia công hạt điều hàng trăm triệu đồng?

Thứ Tư, 04/09/2024, 18:49 [GMT+7]
In bài này
.

Bị bạn làm ăn nợ hàng trăm triệu đồng tiền gia công hạt điều, nghi chiếm đoạt tài sản, bà Đồng Thị Thúy (xã Tân Hưng, TP.Bà Rịa) gửi đơn cầu cứu cơ quan chức năng.

Bị bạn hàng nợ tiền không trả, bà Thúy gặp nhiều khó khăn vi không có tiền trả nợ và làm ăn.
Bị bạn hàng nợ tiền không trả, bà Thúy gặp nhiều khó khăn vi không có tiền trả nợ và làm ăn.

Bị bạn hàng nợ 325 triệu đồng

Phản ánh tới Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Thúy cho biết, nhiều năm nay bà làm nghề gia công hạt điều tại xã Tân Hưng. Tháng 7/2023, từ mối quan hệ quen biết trước, bà Thúy bắt đầu gia công hạt điều cho ông Ngô Quang Sáng (xã Bình Ba, huyện Châu Đức). Công việc chủ yếu là cạo vỏ lụa hạt điều.

Theo thỏa thuận miệng giữa 2 bên, cứ mỗi ký hạt điều cạo vỏ, bà Thúy được ông Sáng trả 12.000 đồng. Cứ 1 tuần hoặc nửa tháng, ông Sáng lại chở từ 1-3 tấn hạt điều thô xuống cơ sở của bà Thúy để gia công. Sau đó, ông Sáng sẽ cho xe tới chở hạt điều đã gia công để xuất hàng đi nơi khác. Tuy nhiên, tiền gia công hạt điều của bà Thúy thì ông Sáng xin khất nợ và được bà đồng ý.

Đến tháng 9/2023, khi chưa thanh toán tiền gia công hạt điều, ông Sáng lại đề nghị bà Thúy chuyển cho ông số tiền 170 triệu đồng để có vốn thu mua hạt điều. Tin tưởng bạn làm ăn, bà Thúy đã nhiều lần chuyển cho ông Sáng. Tổng cộng, ông Sáng nợ bà Thúy 325 triệu đồng (cả tiền cho vay và tiền gia công hạt điều).

Sau đó, ông Sáng có viết tay cho bà Thúy một giấy ghi nợ, nêu rõ nợ bà Thúy 325 triệu đồng tiền gia công hạt điều và cam kết đến ngày 24/1/2024 sẽ thanh toán hết. Thế nhưng, đến hẹn ông Sáng không thanh toán.

Được biết, để gia công hạt điều cho ông Sáng, bà Thúy thuê nhân công với giá 10.000đồng/kg. “Nhiều lần tôi đòi tiền, nhưng ông Sáng khất không chịu trả khiến tôi lâm vào cảnh nợ nần”, bà Thúy cho biết.

Có phạm tội lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản?

Theo Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh), có 2 trường hợp có thể xảy ra. Cụ thể, ông Sáng không trả nợ do không có khả năng trả và không có ý định lừa dối hoặc trốn tránh để chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, ông Sáng phải chứng minh được do làm ăn thua lỗ, không có nguồn tiền để trả cho chủ nợ dẫn đến vỡ nợ. Trong trường hợp này sẽ phát sinh tranh chấp dân sự. Lúc này chủ nợ có thể khởi kiện ra tòa án (nơi người nợ cư trú) để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Ngược lại, trong trường hợp người nợ huy động vốn, mua nguyên liệu của bạn hàng rồi có dấu hiệu trốn tránh không trả, dù có điều kiện để trả, chủ nợ có thể tố cáo họ ra cơ quan điều tra về các hành vi như lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174, 175 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

 
;
.