Người dân tộc thiểu số được hưởng đầy đủ các chế độ hỗ trợ
Bà Dương Thị Tươi (dân tộc Chơ Ro, ngụ phường Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) cho biết, bà nghe thông tin nhà nước và tỉnh có các chính sách hỗ trợ tiền điện, tiền nước sinh hoạt đối với đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Bà muốn biết trường hợp của mình được hưởng chế độ hỗ trợ này như thế nào?
Nhiều chương trình và chính sách được triển khai đồng bộ giúp đời sống ĐBDTTS được cải thiện. Trong ảnh: Bà Đào Thị Đương (SN 1962, dân tộc Chơ Ro, ngụ thôn 1, xã Bình Trung, huyện Châu Đức) sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt hằng ngày. |
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Dương Văn Hạnh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Quyết định số 60/2014/QĐ-TTg ngày 30/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 60) quy định tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện.
Theo đó, tiêu chí hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tiền điện là “hộ ĐBDTTS sống ở vùng chưa có điện lưới”. Hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia. Do đó, người DTTS trên địa bàn tỉnh bao gồm cả trường hợp bà Tươi cũng không nằm trong diện được hỗ trợ tiền điện theo Quyết định 60.
“Ngoài ra, theo Nghị quyết số 109/NQ-HĐND phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh có quy định chính sách hỗ trợ tiền điện, nhưng chỉ áp dụng cho hộ nghèo của tỉnh với mức hỗ trợ hộ cận nghèo quốc gia, hộ nghèo chuẩn tỉnh bằng mức hộ nghèo quốc gia theo quy định hiện hành”, ông Hạnh cho biết thêm.
Đối với chính sách hỗ trợ tiền nước, tỉnh áp dụng chính sách hỗ trợ về giá nước sinh hoạt cho ĐBDTTS theo Quyết định số 1486/QĐ-UBND ngày 26/6/2023 của UBND tỉnh về ban hành giá nước sạch sinh hoạt giai đoạn năm 2023-2024.
Cụ thể, giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh áp dụng đối với đồng bào dân tộc năm 2023 có đơn giá 4.500 đồng/m3 từ 0-10m3/đồng hồ/tháng và 11.000 đồng/m3 từ trên 10m3/đồng hồ/tháng. Năm 2024, từ 0-10m3/đồng hồ/tháng có đơn giá 5.500 đồng/m3 và từ trên 20m3/đồng hồ/tháng trở lên có đơn giá 12.000 đồng/m3.
Toàn tỉnh có 8.957 hộ, 33.032 khẩu với 38 thành phần dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Hoa số lượng đông nhất với 8.730 người; dân tộc Chơ Ro 8.079 người; dân tộc Khmer 4.015 người, dân tộc Tày 1.580 người và 34 dân tộc thiểu số khác dưới 1.000 người. Các dân tộc thiểu số chủ yếu di cư từ các vùng miền khác nhau đến định cư, sinh sống xen kẽ với người Kinh và tập trung chủ yếu ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, TX.Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu. |
Theo ông Dương Văn Hạnh, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm và sâu sát trong triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác dân tộc. Nhiều chương trình, đề án, chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương đã được tổ chức, triển khai đồng bộ trên địa bàn vùng ĐBDTTS.
Cụ thể, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí năm 2023 hơn 159 tỷ đồng. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc phối hợp với các ban, ngành tăng cường tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Nhờ đó nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ĐBDTTS ngày càng được nâng cao.
Ông Dương Văn Hạnh cho biết: “Thời gian tới, Ban Dân tộc tăng cường công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát các hạng mục được đầu tư và chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ ĐBDTTS theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong công tác tuyên truyền vận động ĐBDTTS chấp hành tốt các chủ trương, chính sách; sẵn sàng tự nguyện hiến đất, bàn giao mặt bằng nếu có trong quá trình thực hiện đầu tư các hạng mục công trình vùng ĐBDTTS”.
Bài, ảnh: MẠNH QUÂN