.

11 luật có hiệu lực từ năm 2024

Cập nhật: 18:53, 28/12/2023 (GMT+7)

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023; Luật Đấu thầu 2023 và Luật Thi đua, khen thưởng 2022 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024. Cũng trong năm, từ ngày 1/7 sẽ có thêm 8 luật có hiệu lực, gồm: Luật Căn cước; Luật Giao dịch điện tử; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Phòng thủ dân sự; Luật Giá; Luật Hợp tác xã; Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

3 luật có hiệu lực từ 1/1/2024

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023, với 12 chương, 121 điều (tăng 3 chương và 30 điều so với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009). Luật lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh; tiếp tục chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế...

Luật Đấu thầu 2023, gồm 10 chương, 96 điều với các điểm mới đáng chú ý như: Sửa đổi tiêu chí xác định tư cách nhà thầu, nhà đầu tư. Bổ sung quy định về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu. Chủ đầu tư phải cập nhật kết quả thực hiện hợp đồng trên e-GP.

Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có 8 chương với 96 điều đã bổ sung nhiều quy định mới về thi đua, khen thưởng với cá nhân, tổ chức trong nước và cả người nước ngoài.

Một số nội dung mới đáng chú ý như: bổ sung nguyên tắc khen thưởng; bỏ hình thức khen thưởng “Huy hiệu” cho cá nhân có đóng góp vào quá trình phát triển của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thay đổi nguyên tắc xét thi đua, khen thưởng; thay đổi về đối tượng được tặng Huân chương Lao động. Bên cạnh đó, bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” là người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật không thuộc đối tượng do Chính phủ quy định; bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với Thanh niên xung phong có thành tích trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ, trung thành với cách mạng, có thời gian tại ngũ từ 2 năm trở lên…

8 luật có hiệu lực từ 1/7/2024

Luật Căn cước 2023 chính thức thay thế Luật Căn cước công dân 2014 từ ngày 1/7/2024. Luật gồm 7 chương 46 điều quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam. Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; công dân dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Luật Giao dịch điện tử 2023 gồm 7 chương với 54 điều. Trong đó, có một số điểm mới đáng chú ý như: về phạm vi điều chỉnh, Luật chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực mà điều chỉnh bằng pháp luật chuyên ngành.

Về chữ ký điện tử, chữ ký điện tử được sử dụng để xác nhận chủ thể ký, xác nhận sự chấp thuận của chủ thể đó đối với thông điệp dữ liệu được ký và phải được tạo lập dưới dạng dữ liệu điện tử gắn liền hoặc kết hợp một cách logic với thông điệp dữ liệu.

Các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử như chữ ký scan, chữ ký hình ảnh, mật khẩu sử dụng một lần (OTP), tin nhắn… không phải là chữ ký điện tử.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 gồm 7 chương với 80 điều, trong đó có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Thay đổi định nghĩa người tiêu dùng “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích tiêu dùng, sinh hoạt và không vì mục đích thương mại”.

Quy định rõ hơn về quyền lợi của người tiêu dùng: Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, bảo vệ thông tin, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch…

Lần đầu tiên quy định về giao dịch từ xa: giao dịch từ xa được hiểu là giao dịch thực hiện qua mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch.

Nếu có tranh chấp, không được thương lượng, hòa giải khi vi phạm điều cấm của Luật hoặc trái đạo đức xã hội...

Luật Phòng thủ dân sự 2023, gồm 7 chương và 55 điều. Là một luật hoàn toàn mới, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc phòng, chống, ứng phó thiên tai, thảm họa, sự cố, ngày càng hiệu quả hơn.

Luật Hợp tác xã 2023, gồm 12 chương và 115 điều có nhiều điểm mới đáng chú ý như: Quy định về mở rộng đối tượng tham gia hợp tác xã, gồm cả thành viên chính thức, thành viên liên kết góp vốn và liên kết không góp vốn; bổ sung yêu cầu trích lập quỹ chung không chia là nguồn hình thành tài sản chung không chia phù hợp với đặc thù của mô hình hợp tác xã nhằm bảo đảm sự phát triển của quỹ chung không chia và tài sản chung không chia…

Luật Giá 2023, gồm 8 chương, 75 điều về cơ bản vẫn điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Tuy nhiên, với các vấn đề về giá đất, giá nhà ở, giá điện, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, học phí, giá dịch vụ trong lĩnh vực GD-ĐT, giáo dục nghề nghiệp, tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thì thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành…

Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương và 73 điều sẽ thúc đẩy phát triển các dịch vụ viễn thông mới.

Cụ thể, Luật Viễn thông sửa đổi đã bổ sung quy định về các dịch vụ viễn thông mới, bao gồm dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet, dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ trung tâm dữ liệu. Luật này bổ sung hành vi cấm sử dụng thiết bị, phần mềm gửi, truyền, nhận thông tin qua mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Bổ sung các quy định về quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông và chủ sở hữu thuê bao trong việc quản lý thông tin thuê bao, trách nhiệm hạn chế SIM không đúng thông tin thuê bao, hạn chế tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo…

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 gồm 5 chương và 33 điều, quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động... của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật gồm: Sử dụng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trái quy định của Luật này hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…

THƯ KỲ (Tổng hợp)

.
.
.