Thời gian gần đây, giao tiếp với con qua mạng xã hội, nhiều phụ huynh “đứng hình” khi nghe con nói tục, chửi thề một cách thản nhiên.
Gia đình và nhà trường có trách nhiệm rất quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn minh cho học sinh (ảnh minh họa). |
Một lần vô tình vào nhóm chát facebook của con trai, chị Nguyễn Thùy Hương (TP.Vũng Tàu) cảm thấy choáng váng khi đọc được ngôn từ mà con mình và bạn bè sử dụng để “chát” với nhau. “Mình không thể tin được con mình lại có thể sử dụng những từ ngữ phản cảm, thiếu văn hóa như thế khi nói chuyện với bạn bè. Thế nhưng, khi phản ứng với con thì được trả lời rất bình thản: Nhóm riêng tư mà mẹ, có ai biết đâu nên cứ vô tư, thoải mái. Mà chuyện đó cũng bình thường, ai cũng vậy cả. Người lớn cứ quan trọng hóa vấn đề thôi”, chị Hương kể.
Chuyện của chị Hương không phải là cá biệt, khi trên nhiều diễn đàn khác của phụ huynh, giáo viên, nhiều bậc cha mẹ cũng than phiền về tình trạng bắt gặp, chứng kiến nhiều HS nói tục một cách thản nhiên. Đáng lo là tình trạng này ngày càng diễn ra trầm trọng hơn, mức độ, ngôn từ tục tĩu mà HS sử dụng cũng ngày càng gia tăng.
Nói về thực trạng nói tục, chửi thề trong HS, cô Nguyễn Thị Khương (GV Trường THCS Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu) cho rằng, điều đáng buồn là các em xem đó là câu chuyện thường ngày, thậm chí là để thể hiện “đẳng cấp” hoặc đua theo trend với bạn bè. “Trường học nào cũng có nội quy cấm HS nói tục, chửi thề; nhưng biểu hiện của rất đông HS lại dường như đi ngược lại với những nội quy, phong trào của nhà trường”, cô Khương chia sẻ.
Theo em P.N.T. (học sinh của một trường THPT tại TP.Vũng Tàu), do cô giáo chủ nhiệm của lớp rất nghiêm khắc và thường xuyên nhắc nhở nên các bạn có phần hạn chế nói tục, chửi thề. Thế nhưng, chỉ cần vắng mặt giáo viên thì “đâu lại vào đấy”, có điều mức độ ngôn từ thô tục “nhẹ” hơn so với học sinh lớp khác.
Nguyên nhân của việc HS ngày nay nói tục chửi thề là do các em chưa nhận thức được tầm quan trọng của lời nói. Chỉ nghĩ đơn giản nói cho vui miệng, nói như một cách để thể hiện bản thân mình khác, mình "chất". Từ đó, chưa nhận thức được nói tục chửi bậy là hành vi xấu, là biểu hiện của những người kém văn minh, lịch sự. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là do ảnh hưởng từ lối sống gia đình, khi cha mẹ nói tục thô thiển khiến con trẻ lây nhiễm tật xấu đó.
Tình trạng HS chửi thề, nói tục ngày càng nhiều và xảy ra ở lứa tuổi ngày càng nhỏ còn do ảnh hưởng nhiều từ các trang mạng xã hội như: Facebook, YouTube, TikTok... đến cả một số chương trình trên truyền hình cũng không ít lần xuất hiện những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng phát ngôn những ngôn từ thiếu chuẩn mực.
Người lớn phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo (ảnh minh họa). |
Nhiều ý kiến cho rằng, nói tục, chửi thề trong HS thực sự trở thành vấn nạn học đường cần phải loại bỏ. Muốn vậy, trước hết cần triển khai tuyên truyền quy tắc ứng xử trong trường học, coi đây là những chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt, làm việc, học tập.
Là người nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, cô Nguyễn Hồng Anh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Huệ, TP.Vũng Tàu) cho biết, nói tục, chửi thề khó sửa nhưng không phải không có biện pháp để chấn chỉnh. Nếu xảy ra tình trạng HS chửi thề, nói tục trong lớp, cô thường kết hợp với nhà trường, phụ huynh áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp. Ví dụ như: đưa thành tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm định kỳ. Theo đó, với những HS thường xuyên chửi thề, nói tục đã bị nhắc nhở đến 2 lần trở lên sẽ bị ghi vào “sổ đen” để xếp loại hạnh kiểm. Biện pháp này khá hữu hiệu, HS biết sợ tự rèn dũa bản thân. Đồng thời, các bậc phụ huynh phải có ý thức trách nhiệm về việc bảo vệ con em mình, không để văn hóa ứng xử xấu nhiễm vào các em. Người lớn phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo, chứ không thể cậy mình là người lớn mà văng tục bừa bãi được.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN