NGƯỜI DÂN TỔ 18, THÔN TRUNG SƠN, XÃ SUỐI NGHỆ, HUYỆN CHÂU ĐỨC

Ngạt thở vì trại heo xả thải gây ô nhiễm

Thứ Năm, 28/09/2023, 19:49 [GMT+7]
In bài này
.

Người dân tại tổ 18, thôn Trung Sơn (xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) nhiều năm qua sống khổ sở trong cảnh ô nhiễm do trại nuôi heo quy mô lớn ở khu dân cư gây ra.

Hồ chứa nước thải từ trại heo cùng với nước mưa tràn ra gây ngập một diện tích lớn.
Hồ chứa nước thải từ trại heo cùng với nước mưa tràn ra gây ngập một diện tích lớn.

Nước đen “sôi trào” ùng ục

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều hộ dân tổ 18, thôn Trung Sơn bức xúc cho biết, mấy năm nay họ sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng do trại chăn nuôi heo của ông Nguyễn Công (SN 1966, thôn Trung Sơn) gây ra. 

Từ thông tin nêu trên, những ngày cuối tháng 9, PV đi thực tế tìm hiểu nội dung sự việc. Vừa vào con hẻm cách trại heo của ông Công khoảng 200m, PV phát hiện mùi hôi tỏa ra, càng tới gần, càng nồng nặc. Cách 100m phía sau trại heo có một hồ chứa khá lớn, màu nước sậm đen, bốc mùi hôi. Thời điểm PV có mặt, nước trong hồ chứa “sôi trào” ùng ục, nổi váng đen ngòm. Người dân cho biết, hàng ngày nước thải từ trại heo theo đường ống ngầm chảy vào hồ chứa. Khi hồ chứa đầy, nước thải cùng nước mưa tràn ra gây ngập xung quanh. Một phần khu đất phía sau trại heo và sân nhiều hộ lân cận ngập trong nước bẩn, bên trên nổi váng xanh.

Bà Nguyễn Thị Yến (SN 1984, tổ 18) cho biết, ông Công nuôi 2 trại heo quy mô lớn tại tổ 18 nhiều năm qua. Sau thời gian dài chăn nuôi gây ô nhiễm bị người dân phản ứng gay gắt nên ông Công ngừng nuôi một trại. Trại còn lại tiếp tục duy trì nuôi với số lượng lớn. “Trại heo quy mô hơn 100 con, họ chôn đường ống ngầm để xả nước thải ra hồ chứa khá lớn gần đường kênh dẫn nước. Khi nước trong hồ chứa đầy thì tràn ra khu đất bên cạnh và tràn vào sân hàng loạt nhà dân gây ô nhiễm”, bà Yến bức xúc.

Gạt váng rêu phủ trên mặt nước trước sân nhà, lộ ra màu nước đen ngòm, bà Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1988, ngụ tổ 18) nói: “Nước thải từ trại heo tràn ra không có nơi thoát. Khi mưa xuống cuốn theo phân heo trôi ngập trước sân nhà chúng tôi. Không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước, bốc mùi hôi thối mà còn là “ổ chứa” ruồi, muỗi”.

Nhà sát bên trại heo, ông Đoàn Minh Tuấn (SN 1977) cho biết, sau nhiều năm chịu ô nhiễm thì nguồn nước giếng khoan của các gia đình lân cận trại heo đã chuyển màu đục, có mùi hôi không bảo đảm an toàn cho sử dụng sinh hoạt. “Khu vực này chưa có nước sạch, giờ nước giếng khoan bị ô nhiễm khiến chúng tôi thêm điêu đứng. Ngoài ra, cứ mờ sáng và chiều tối tiếng kêu inh tai nhức óc của cả 100 con heo khiến gia đình chúng tôi không có phút giây nào bình yên”, ông Tuấn ngao ngán nói.

Cam kết khắc phục ô nhiễm

Nhận phản ánh của người dân về việc trại heo của ông Công gây ô nhiễm, ngày 27/6, UBND xã Suối Nghệ kiểm tra và lập biên ghi nhận chuồng trại dơ, phân heo tràn ra ngoài. Đoàn kiểm tra đề nghị ông Công vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, hầm biogas để tránh làm ảnh hưởng mùi hôi đến hàng xóm. Biên bản làm việc của UBND xã Suối Nghệ vào sáng 28/6, ghi nhận thông tin tổng đàn heo 120 con. Toàn bộ nước vệ sinh chuồng được cho vào hầm biogas, có dùng tích trữ sau đó chảy qua hầm lắng, không có nắp đậy. Ông Công hứa khắc phục tình trạng ô nhiễm.

Tới ngày 4/8, UBND xã Suối Nghệ tiếp tục làm việc với ông Công về việc chăn nuôi gây ô nhiễm. Đoàn kiểm tra ghi nhận trại ông Công xả thải ra môi trường xung quanh gây mùi hôi thối, ô nhiễm môi trường. Ông Công đề nghị được nuôi hết lứa heo và giảm dần đến cuối năm sẽ ngừng nuôi. Đồng thời cam kết không xả thải ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm. Đoàn kiểm tra yêu cầu ông Công giữ gìn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, không được xả thải phân heo ra môi trường và giảm đàn theo đúng cam kết.

Theo bà Lương Yên Châu, công chức địa chính, xây dựng xã Suối Nghệ, khoảng giữa năm 2023, bị người dân phản ứng vì chăn nuôi gây ô nhiễm ông Công đã dừng nuôi một trại. Đồng thời thuê xe vào hút nước thải ở hồ chứa. Tuy nhiên, ông Công cũng dẫn nước thải ở trại còn lại theo đường ống vào hố chứa gần trại cũ.

“Chúng tôi đã báo cáo sự việc lên Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện và mời ông Công tới UBND xã để làm việc và có phương án xử phạt về hành vi gây ô nhiễm do chăn nuôi. Tuy nhiên, ông Công đang về quê nên chưa làm việc được. Ông Công cũng cam kết nếu còn gây ô nhiễm thì từ nay tới cuối năm sẽ ngưng nuôi”, bà  Lương Yên Châu nói.

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, ông Công cho biết, trước đây nhà ông có hai trại nuôi heo nái và heo thịt. Hiện trại nuôi heo thịt đã ngừng, di dời đến nơi khác, chỉ còn trại nuôi heo nái. Việc xả thải ra hồ chứa nước bên cạnh trại là có khi mưa to, nước tràn vào chuồng. Hồ nước thải cũng không phải do ông đào mà là hồ tự nhiên. Từ khi làm kênh dẫn nước, hồ này bị lấp dòng chảy, không thông dẫn đến tù đọng. “Vừa qua, tôi đã cho xe hút hầm cầu đến hút nước ở trong hồ. Nếu các hộ dân đồng ý, tôi sẽ cho xe đến xúc đất khơi thông dòng chảy ở hồ chứa”, ông Công nói.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

;
.