Mạnh tay dẹp nạn lấn chiếm đất công ở thác Hoà Bình

Thứ Ba, 29/08/2023, 18:22 [GMT+7]
In bài này
.

Trước thực trạng các hộ dân lấn chiếm đất công khu vực thác Hòa Bình (xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc) để kinh doanh buôn bán, UBND xã Hòa Bình đã lập đoàn kiểm tra, xử lý những công trình vi phạm.

Các hộ dân tự ý bắc cầu, dựng sạp, lều dưới thác Hoà Bình để kinh doanh dịch vụ.
Các hộ dân tự ý bắc cầu, dựng sạp, lều dưới thác Hoà Bình để kinh doanh dịch vụ.

Lấn chiếm đất công để kinh doanh

Nhiều năm qua, thác Hòa Bình (đoạn thuộc ấp 4 và 5, xã  Hòa Bình) với vẻ đẹp hoang sơ và khung cảnh bình yên đã thu hút đông đảo người dân, du khách tìm đến tham quan, vui chơi. Cũng từ đó, các hộ dân có đất quanh thác xây dựng nhà cửa, dựng chòi trên phần đất của mình mở dịch vụ kinh doanh, buôn bán. Việc buôn bán dần dần được mở rộng. Các hộ kinh doanh còn căng lều bạt, dựng sạp, bàn ghế trên đất công để buôn bán.

Con đường đất dẫn xuống thác vì thế bị xâm lấn, bóp nghẹt bởi nền bê tông, mái tôn. Dưới thác, các hộ kinh doanh đua nhau dựng cầu gỗ, làm sạp, căng lều bạt, trang trí dây đèn… để cho thuê chỗ ngồi, bán nước giải khát và đồ ăn.

Hoạt động kinh doanh bát nháo khiến cho khu vực thác Hòa Bình xảy ra rất nhiều tai tiếng. Du khách tới tham quan, vui chơi tại đây từng phản ánh tình trạng bị thu tiền vô tội vạ và “chặt chém” khi sử dụng dịch vụ. Nhiều du khách cho biết, các hộ kinh doanh tại đây thu phí gửi xe máy với giá 10 ngàn đồng/xe, ô tô 50 ngàn đồng/xe. Dịch vụ cho thuê chỗ ngồi, bạt, chòi, sạp cũng có giá rất "chát" từ 250-600 ngàn đồng.

Chị H. (một du khách) kể, khi nhóm của chị tới thác Hòa Bình chơi thì có người tới thu tiền chỗ ngồi với giá 15-20 ngàn đồng/trẻ em và 50 ngàn đồng/người lớn mà không có bất cứ phiếu thu gì. "Cứ đi xuống thác là bị thu tiền, ai không thuê chỗ ngồi thì bị xua đuổi", chị H. nói.

Sàn và ô lấn chiếm đất công mà hộ kinh doanh dựng dưới thác để kinh doanh bị lực lượng chức năng buộc kéo lên bờ.
Sàn và ô lấn chiếm đất công mà hộ kinh doanh dựng dưới thác để kinh doanh bị lực lượng chức năng buộc kéo lên bờ.

Mạnh tay xử lý

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, bà Cáp Thị Gầng, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, khu vực thác Hòa Bình hiện có 3 hộ dân kinh doanh các dịch vụ như: bán nước giải khát, cho thuê bàn ghế, lều bạt, sạp… Thời gian qua, UBND xã Hòa Bình nhiều lần kiểm tra, lập biên bản nhắc nhở và xử phạt các hộ kinh doanh về việc lấn chiếm đất công để kinh doanh.

“Sau nhiều lần kiểm tra, lập biên bản xử lý thì việc lấn chiếm đất công để kinh doanh vẫn tái diễn. Đoàn kiểm tra về ít hôm, người dân lại kéo sạp xuống thác để kinh doanh. Con đường xuống thác theo bản đồ địa chính rộng 2,7m nhưng hiện nay bị các hộ dân lấn chiếm chỉ rộng chừng khoảng 50cm”, bà Cáp Thị Gầng nói.

Trước thực trạng kinh doanh lấn chiếm đất công ở khu vực thác Hòa Bình, ngày 25/8, UBND xã Hòa Bình tiếp tục lập đoàn kiểm tra xử lý vi phạm. Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã tháo dỡ các công trình vi phạm như: cầu tạm bắc qua thác, dù, bạt, sạp dựng trên khu vực đất công do nhà nước quản lý. Đồng thời, UBND xã lập biên bản yêu cầu các hộ kinh doanh không tái phạm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ gìn vệ sinh trong kinh doanh buôn bán, niêm yết giá cụ thể, không để xảy ra tình trạng “chặt chém” khách du lịch. Hầu hết, các hộ kinh doanh đều đồng thuận với chủ trương của địa phương và hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ra, UBND xã Hòa Bình cũng đo đạc, cắm mốc, tạo ranh, cải tạo lại đường xuống thác bị các hộ dân lấn chiếm để du khách thuận tiện hơn trong việc tham quan du lịch. Các biển thông báo khu vực đất do nhà nước quản lý, cấm kinh doanh thu phí nếu phát hiện vi phạm kèm theo số điện thoại để người dân phản ánh cũng được cắm quanh thác. 

Sự vào cuộc xử lý việc lấn chiếm đất công tại thác Hòa Bình của UBND xã Hòa Bình được rất nhiều người dân và du khách hoan nghênh. 

Theo bà Cáp Thị Gầng, khu vực thác Hòa Bình được quy hoạch đất thương mại dịch vụ. "Về lâu dài, UBND xã mong muốn các cấp, ngành quan tâm thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ thác bài bản, quy mô xứng tầm để phát triển kinh tế cho địa phương", bà Cáp Thị Gầng nói.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
;
.