Một số người dân ở xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về tình trạng hóa đơn tiền điện tăng đột biến sau khi lắp đồng hồ điện tử. Đồng thời bày tỏ nghi ngờ đồng hồ điện chạy không chính xác, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng.
Bà Trần Thị Đông (thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức) băn khoăn vì hóa đơn tiền điện phòng trọ tăng cao trong tháng 4 và 5/2023 vừa qua. |
Hóa đơn tiền điện tăng 2-3 lần
Theo nội dung phản ánh, nhiều khách hàng “ngã ngửa” khi nhận thông báo tiền điện tháng 4 và 5/2023, với số tiền tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 so với các tháng trước đó. Các hộ dân cho biết, đây cũng là thời điểm ngành điện lực lắp đặt đồng hồ điện tử thay đồng hồ cơ.
Cụ thể, bà Trần Thị Đông (thôn Tân Xuân, xã Bàu Chinh) cho biết, gia đình bà có 5 phòng trọ. Tiền điện tiêu thụ của dãy trọ này trước đây chỉ dao động 700-800 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, trong tháng 4 vừa qua, sau khi lắp đồng hồ điện tử tại đồng hồ tổng thì hóa đơn tiền điện của dãy trọ tăng lên gần 1,5 triệu đồng.
Thấy bất thường, bà Đông cộng tất cả chỉ số điện tại 5 đồng hồ (đồng hồ cơ) của 5 phòng trọ, trong thời gian tháng 4/2023, thì cho thấy chỉ số điện năng tiêu thụ chỉ khoảng hơn 300kWh. Trong khi đó, chỉ số tại đồng hồ tổng (đồng hồ điện tử) là hơn 500kWh, chênh lệch khoảng 200kWh.
Tương tự, nhiều gia đình khác ở xã Bàu Chinh cũng “tá hỏa” khi tiền điện tăng vọt trong khi nhu cầu sử dụng điện không thay đổi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (thôn Tân Hiệp, xã Bàu Chinh) cho rằng, dù vào cao điểm nắng nóng, nhu cầu dùng điện tăng lên nhưng hóa đơn tiền điện tháng 4 và 5 tăng cao khiến gia đình bà băn khoăn. Bởi, 2 căn nhà của gia đình bà chỉ có tủ lạnh và một số thiết bị sử dụng điện khác nên mỗi tháng chỉ trả khoảng 2 triệu đồng tiền điện. Sau khi thay đồng hồ điện tử, từ tháng 4/2023 đến nay, hóa đơn tiền điện gia đình bà tăng lên gần 6 triệu đồng/tháng, cao gấp 3 lần so với trước.
Bà Nga đề nghị Điện lực huyện Châu Đức kiểm tra. Sau khi xuống kiểm tra, ngành điện lực huyện này ghi nhận có sai sót trong quá trình ghi chỉ số điện năng tiêu thụ. Sau đó hóa đơn tiền điện của gia đình bà Nga đã giảm xuống còn hơn 4 triệu đồng/tháng. Thấy hóa đơn tiền điện vẫn cao, bà Nga chủ động ngừng sử dụng 2 máy lạnh và 1 máy bơm nước để tiết kiệm điện. Thế nhưng, hóa đơn tiền điện của gia đình bà tháng 5/2023 vẫn ở mức hơn 4 triệu đồng. “Tôi thấy rất khó hiểu, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện giảm nhưng hóa đơn tiền điện không giảm. Đề nghị cơ quan chức năng, ngành điện lực kiểm tra lại đồng hồ điện tử để bảo đảm quyền lợi cho khách hàng”, bà Nga kiến nghị.
Nguyên nhân vì đâu?
Sau khi nhận được thông tin từ Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về phản ánh của người dân xã Bàu Chinh, Điện lực huyện Châu Đức đã tiến hành kiểm tra tại các hộ dân nêu trên. Qua kiểm tra, Điện lực huyện Châu Đức nhận định, thời tiết nắng nóng gay gắt, nhất là cao điểm tháng 4 và 5 vừa qua, dẫn tới mức độ tiêu thụ điện tăng cao.
Ngoài ra, Điện lực huyện Châu Đức còn kiểm tra cụ thể từng hộ dân và phát hiện có một số nguyên nhân khác ảnh hưởng đến việc tiêu thụ điện cao. Cụ thể, hộ bà Nguyễn Thị Thanh Nga tại thời điểm kiểm tra công tơ hoạt động bình thường. Trong quá trình kiểm tra, Điện lực huyện phát hiện dây sau công tơ bị chạm, và dòng rò đo dược gần 2A. Đồng thời, bà Nga sử dụng 1 máy lạnh đã cũ (hơn 15 năm), dòng đo được là 8A, mở cả ngày do nắng nóng, con nhỏ nghỉ hè dẫn đến tiền điện tăng cao. Nhân viên điện lực đã xử lý dòng rò dây sau công tơ. Bà Nga cũng tạm ngưng sử dụng máy lạnh cũ và thay thế máy lạnh mới tiết kiệm điện.
Với hộ bà Trần Thị Đông, tại thời điểm kiểm tra, công tơ hoạt động bình thường. Bà sử dụng điện cho 5 phòng trọ. Qua kiểm tra, Điện lực huyện Châu Đức nhận thấy, điện lực ghi chỉ số điện vào ngày 8 hàng tháng trong khi hộ bà Đông lấy chỉ số mỗi phòng mỗi ngày khác nhau, cụ thể là các ngày 11, 14, 21, 23, 30 hàng tháng dẫn đến có sự chênh lệch lớn về tổng sản lượng điện tiêu thụ.
Một số hộ dân khác cũng có những nguyên nhân ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ điện như thiết bị điện bị hỏng hoặc nhiều hộ sử dụng chung công tơ...
Ông Trần Bé, Giám đốc Điện lực Châu Đức giải thích thêm, các hộ dân còn lại tại thời điểm kiểm tra công tơ đều hoạt động bình thường. Qua kiểm tra nhận thấy tiền điện kỳ tháng 5/2023 tăng so với các tháng trước đó từ 100-300 ngàn đồng là do nắng nóng, khách hàng sử dụng thiết bị làm mát nhiều hơn. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng cao. Bên cạnh đó, do tiền điện tính theo giá bậc thang nên cũng tăng hơn so với các tháng trước đó.
“Sau khi Điện lực huyện giải thích và theo dõi sản lượng điện bình quân ngày vào kỳ 6/2023 với các hộ dân này thì sản lượng điện giảm đi rất nhiều so với kỳ tháng 5/2023. Các hộ dân đều đồng ý và tiếp tục theo dõi sản lượng điện hằng ngày”, ông Trần Bé nói thêm.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG