.

Lo trạm ăngten viễn thông gãy đổ, chủ đất kêu cứu

Cập nhật: 19:17, 12/05/2023 (GMT+7)

Thuê mặt bằng và lắp đặt trạm ăngten viễn thông nhưng Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile, TP.Hà Nội) không thanh toán tiền theo hợp đồng cho chủ đất. Chủ đất phải kêu cứu khắp nơi vì không nhận được tiền cho thuê mặt bằng, trong khi hợp đồng hết hạn đã lâu, không liên lạc được với bên thuê đất và trạm ăngten có nguy cơ ngã đổ.

Ông Đặng Văn Khánh bức xúc vì Gtel Mobile không thanh toán tiền thuê đất lắp đặt trạm ăngten viễn thông.
Ông Đặng Văn Khánh bức xúc vì Gtel Mobile không thanh toán tiền thuê đất lắp đặt trạm ăngten viễn thông.

Không trả tiền thuê đất

Phản ánh đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Đặng Văn Khánh (SN 1953, ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức) cho biết, tháng 5/2011, Chi nhánh Công ty CP Viễn thông di động Toàn Cầu tại TP.Hồ Chí Minh (Gtel Mobile) ký hợp đồng (HĐ) thuê 324m2 đất của ông tại thôn 3 (xã Bình Trung) để lắp đặt trạm ăngten viễn thông. Thời hạn HĐ 5 năm với giá thuê 2,8 triệu đồng/tháng, thanh toán tiền 3 tháng/lần thông qua tài khoản ngân hàng. Khi hết hạn HĐ, ông Khánh thấy Gtel Mobile trả tiền thuê đất đầy đủ và đúng thời gian nên tin tưởng tiếp tục tái ký vào tháng 4/2016. 

Tuy nhiên, Gtel Mobile chỉ thanh toán đầy đủ được 1 năm, đến năm thứ 2 thì không trả tiền cho ông Khánh nữa. Ông Khánh liên lạc qua điện thoại nhiều lần tới công ty nhưng không được giải quyết.

Trước nguy cơ ngã đổ trạm ăngten viễn thông, đe dọa tính mạng người dân xung quanh, ông Khánh nên gửi đơn đề nghị chính quyền địa phương lập biên bản ghi nhận hiện trạng, kiến nghị và có phương án hỗ trợ tháo dỡ trạm ăngten để tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc. 
Luật sư Đỗ Văn Hoãn, 
Văn phòng Luật sư Đỗ Lê

Ngày 26/11/2018, Gtel Mobile có văn bản gửi ông Khánh “giải thích” việc chậm thanh toán tiền thuê mặt bằng, cơ sở hạ tầng lắp đặt trạm ăngten viễn thông. Theo Gtel Mobile, do tiến độ phê duyệt của Chính phủ về đề án tái cấu trúc đối với công ty chậm so với dự kiến nên thời hạn thanh toán tiền thuê mặt bằng không thực hiện đúng HĐ cũng như các cam kết công ty đã gửi sau này.

Gtel Mobile “nhấn mạnh” rằng công ty là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do đó mọi khoản nợ của khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ. Công ty xác nhận số tiền còn nợ của ông Khánh và cam kết sẽ thanh toán đầy đủ ngay sau khi đề án tái cấu trúc được Chính phủ phê duyệt. Đồng thời mong muốn ông Khánh chia sẻ khó khăn, tạo điều kiện để cán bộ công ty ra vào trạm vận hành ứng cứu, tránh các phản ứng tiêu cực.

Theo ông Khánh, từ lúc gửi văn bản vào năm 2018 đến nay, Gtel Mobile không còn bất cứ liên hệ nào tới ông. Trong khi HĐ quá hạn hơn 1,5 năm, các số điện thoại của công ty cũng không còn liên lạc được nữa. “Tôi tìm hiểu và được biết người dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và nhiều tỉnh, thành phố khác cho Gtel Mobile thuê mặt bằng lắp đặt trạm ăngten viễn thông cũng bị công ty “bỏ quên” giống tôi”, ông Khánh bức xúc.

Ông Khánh lo lắng trạm trong thời gian dài không có ai quản lý, bảo trì có nguy cơ ngã đổ đe doạ an toàn của người dân.
Ông Khánh lo lắng trạm ăngten trong thời gian dài không có ai quản lý, bảo trì có nguy cơ ngã đổ đe doạ an toàn của người dân.

Nguy cơ mất an toàn

Theo ông Khánh, trạm ăngten viễn thông cao gần 45m nằm trong khu vực dân cư đông đúc. Nhiều năm nay trạm bị bỏ hoang không có sự quản lý, chăm sóc của công ty nên cỏ, dây leo mọc um tùm. “Mùa mưa bão đang tới mà trạm lâu nay không ai quản lý, kiểm tra bảo dưỡng nên có nguy cơ ngã đổ, đe dọa an toàn tính mạng của người dân xung quanh. Tôi mong cơ quan chức năng vào cuộc yêu cầu Gtel Mobile trả tiền thuê mặt bằng, thanh lý HĐ, tháo dỡ trạm ăngten trả lại đất để gia đình còn sử dụng”, ông Khánh kiến nghị.

Phóng viên đã nhiều lần liên lạc tới số điện thoại của Gtel Mobile ghi trong HĐ và cả trong các thông báo gửi cho ông Khánh để tìm hiểu nội dung sự việc nhưng không liên lạc được.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Đỗ Văn Hoãn (Văn phòng Luật sư Đỗ Lê) cho rằng, để đòi quyền lợi và giải quyết kiến nghị, ông Khánh cần khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, trong HĐ ghi trụ sở Gtel Mobile ở TP.Hà Nội nên ông cần gửi đơn tới tòa án nơi có trụ sở công ty, dẫn đến chi phí đi lại, kiện cáo sẽ rất tốn kém và mất thời gian.

Bài, ảnh: MẠNH QUÂN

 
.
.
.