Chuyển tiền nhầm tài khoản và cách xử lý
Chuyển tiền qua Internet Banking hoặc tại các cây ATM đã trở nên quá phổ biến. Tuy nhiên, việc đơn giản này cũng không tránh khỏi những sai sót từ phía người dùng. Và lo lắng nhất là chuyển tiền nhầm tài khoản người nhận.
Khi chuyển tiền nhầm, đầu tiên người dân nên ra trực tiếp chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để làm giấy đề nghị ngân hàng hỗ trợ xử lý giao dịch chuyển nhầm. Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại BIDV chi nhánh Bà Rịa (ảnh có tính chất minh họa). |
Có lấy lại được tiền không?
Anh Nguyễn Văn Học (phường 2, TP. Vũng Tàu) cho biết, do bận công việc không thể về quê Bình Định ăn Tết cùng gia đình, anh đã chuyển tiền bằng hình thức Internet Banking cho người em. Sau khi thực hiện thao tác chuyển, đã có thông báo biến động tài khoản, trừ số tiền đã chuyển nhưng qua 1 ngày người em ở quê vẫn chưa nhận được số tiền.
Anh Học kiểm tra lại thì “giật mình”, do vội nên anh đã chuyển nhầm tài khoản dù tên người nhận vẫn giống tên em trai của mình. Anh Học đã đến Ngân hàng BIDV chi nhánh Vũng Tàu và được nhân viên ngân hàng cho biết, người mà anh chuyển nhầm có tên tài khoản giống người em của anh. Đồng thời, nhân viên hướng dẫn anh các thủ tục để nhận hoàn lại tiền.
Từ đó cho thấy, việc chuyển tiền nhầm hoặc sai tài khoản như anh Học không hề hiếm trong thực tế. Điều khách hàng băn khoăn nhất khi gặp phải tình huống này là có lấy lại được tiền hay không và cần xử lý như thế nào?
Với các trường hợp chuyển tiền nhầm số tài khoản hoặc chuyển tiền sai tài khoản thì có thể khẳng định là có thể lấy lại được tiền nhưng sẽ tốn thời gian. Cách lấy lại tiền khi gửi nhầm số tài khoản, về phía người chuyển phải thực hiện 3 bước như sau:
Thứ nhất, khi phát hiện ra mình chuyển khoản nhầm, phải liên hệ ngay lập tức với ngân hàng báo về sự cố này. Ở bước này tốt nhất nên trực tiếp đến chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng để làm giấy đề nghị ngân hàng hỗ trợ xử lý giao dịch chuyển nhầm.
Tiếp đến, cung cấp CCCD, thẻ ngân hàng, chứng từ như hóa đơn chuyển tiền, thời gian chuyển, số tài khoản và nội dung chuyển tiền để ngân hàng tra soát, kiểm tra lại giao dịch. Cần cung cấp đầy đủ thông tin để ngân hàng có thể hỗ trợ tốt nhất.
Cuối cùng, ngân hàng sẽ dựa vào những thông tin mà bạn cung cấp để kiểm tra và rà soát lại giao dịch bạn đã thực hiện. Nếu như thông tin bạn cung cấp là chính xác, ngân hàng sẽ tiến hành xử lý.
Nếu tài khoản chuyển nhầm thuộc cùng ngân hàng, Ngân hàng sẽ thông báo cho chủ tài khoản biết về thông tin khách hàng chuyển tiền nhầm vào tài khoản. Tiếp theo ngân hàng có thể tiến hành phong tỏa tài khoản của chủ tài khoản bị chuyển nhầm và chuyển trả số tiền đó nếu như trong tài khoản còn tiền.
Trường hợp chuyển nhầm khác ngân hàng, ngân hàng nơi bạn mở tài khoản sẽ liên hệ với ngân hàng phía bên kia để yêu cầu hỗ trợ liên hệ với chủ tài khoản và thực hiện các bước giúp khách hàng lấy lại tiền.
Với các trường hợp chuyển tiền nhầm tài khoản và người nhận tiền có thiện chí chuyển tiền lại thì thường sau 5-7 ngày chủ tài khoản có thể nhận lại tiền của mình. Trường hợp người nhận tiền cố tình không trả lại tiền và buộc phải đưa sự việc ra tòa án thì có thể mất vài tuần đến vài tháng để có thể nhận lại được tiền của mình.
Với các trường hợp chuyển tiền sai số tài khoản, sai tên người nhận thì thường cũng chỉ mất tối đa 7 ngày làm việc để ngân hàng tra soát giao dịch và chuyển trả lại tiền cho chủ tài khoản chuyển nhầm.
Đối với trường hợp của anh Học nêu trên, là trường hợp chuyển nhầm khác ngân hàng, số tiền chuyển nhầm cũng đã được hoàn trả vào tài khoản của anh Học ở ngân hàng BIDV 14 ngày sau đó.
Người dân cần cẩn thận khi thực hiện chuyển tiền bằng hình thức Internet Banking để tránh những rắc rối về sau. |
Sử dụng tiền người khác chuyển nhầm sẽ bị xử lý hành sự
Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
Theo điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 Điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật Hình sự về Tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Để tránh rủi ro pháp lý và tránh trường hợp lừa đảo chủ tài khoản nhận tiền chuyển nhầm, cần thông báo đến ngân hàng của tài khoản gửi tiền về việc có nhận khoản tiền chuyển nhầm, đồng thời nhờ ngân hàng thực hiện các thủ tục hoàn trả lại tiền.
CHƯƠNG NGUYỄN