.

Chó thả rông gây TNGT, ai chịu trách nhiệm?

Cập nhật: 20:07, 01/02/2023 (GMT+7)

Tình trạng chó thả rông diễn ra rất phổ biến cả khu vực đô thị và nông thôn gây bất an cho người tham gia giao thông. Hậu quả để lại sau các vụ tông chó cũng rất nghiêm trọng, thậm chí gây thương vong.

Chó thả rông tại các khu dân cư, đường nông thôn.
Chó thả rông tại các khu dân cư, đường nông thôn.

Gặp tai nạn vì tông trúng chó thả rông

Theo ghi nhận của phóng viên, trên nhiều tuyến đường ở TX.Phú Mỹ và TP.Bà Rịa diễn ra phổ biến tình trạng trên, trong đó hầu hết chủ vật nuôi không rọ mõm, đeo xích cho chó mà để thả rông. Điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn khi chó bất ngờ chạy ra đường hoặc thậm chí cắn người gây bệnh dại.

Anh Kim Hiếu (SN 1998, ngụ TX.Phú Mỹ) bức xúc kể lại việc vừa tông trúng chó gây thương tích những ngày cận Tết. Anh Hiếu cho biết, sáng ngày 9/1 khi đang lưu thông trên đường Nguyễn Tất Thành (TP.Bà Rịa) mua sắm Tết thì bất ngờ một con chó lao ra đường. Quá bất ngờ, anh Hiếu tông trúng và té ngã xuống đường gây trầy xước tay, chân và mặt.

Những tưởng chủ nhà sẽ đến hỗ trợ tiền thuốc hoặc nhận trách nhiệm về vụ việc thì anh bất ngờ về thái độ của chủ nhà. Anh Hiếu nói: “Họ không xin lỗi mà còn thách thức, nói tôi chạy thiếu quan sát. Mãi đến khi tôi gọi lực lượng công an họ mới chịu xin lỗi nhưng không hỗ trợ tiền thuốc”.

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến anh Hiếu ngồi nhà hết dịp Tết Nguyên đán vì chân tay bị trầy xước. Anh Hiếu cho rằng chính quyền địa phương cần sớm xử lý chó thả rông để tránh gây tai nạn cho những người khác.

Tương tự, anh T.T.V (SN 1986, ngụ xã Châu Pha), chỉ vì tông trúng chó thả rông mà hơn 2 năm qua phải ngồi xe lăn. Bà Hoa (mẹ anh V.) cho biết, dịp Tết Nguyên đán 2020, anh V. đi chúc Tết thì xảy ra TNGT, nguyên nhân được người chứng kiến kể lại khi anh V. tông trúng chó thả rông rồi bất tỉnh. Bác sĩ chẩn đoán anh V. bị tổn thương não và phải điều trị dài hạn tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Từ đó đến nay, anh V. phải chịu cảnh ngồi xe lăn và trở thành gánh nặng cho gia đình.

Mới đây, một fanpage của TP.Bà Rịa cũng đăng tải nội dung về người đàn ông phải nhập viện cấp cứu vì tông trúng chó ngoài đường. Lập tức, nhiều tài khoản thể hiện sự bức xúc khi chính họ đã từng là nạn nhân của các vụ TNGT do chó, mèo thả rông. Cụ thể, tài khoản N.H chia sẻ: “Những vết sẹo trên người mình vì bị tông chó đến nay không liền được. Lên án những chủ thả chó để tai họa ập đến những người chung quanh”.

Tài khoản V.H cho rằng: “Phải có một chế tài xử phạt thật nghiêm những người nuôi chó thả rông. Đồng thời nếu chó vô tình gây TNGT thì phải tìm chủ chó để bồi thường thiệt hại”.

Cần xử lý mạnh tay

Chi Cục Chăn nuôi và Thú y (thuộc Sở NN và PTNT) cho biết, theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, hiện nay công tác bắt chó thả rông được đưa về địa phương xử lý.

Cụ thể, đến nay huyện Côn Đảo và TP.Vũng Tàu đã triển khai xử lý theo kế hoạch hằng năm. Đơn vị này cho rằng, để chó thả rông sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cả về nguồn lây bệnh dại và gây TNGT. Trường hợp chó thả rông bị lực lượng chức năng bắt được nhưng chưa tiêm phòng sẽ buộc tiêm phòng theo quy định và xử phạt chủ nuôi. Nếu không có chủ đến nhận hoặc chủ không đồng ý tiêm phòng thì lực lượng sẽ xin tiêu hủy theo quy định.

Bà Lê Hải Vân, Phó trưởng Phòng Kinh Tế TP.Vũng Tàu cho biết, tình trạng chó thả rông có xảy ra trên địa bàn nên những năm qua thành phố đã liên tục ra quân xử lý.

“Chó thả rông rất nguy hại cho người tham gia giao thông và nguy cơ cắn người. Đơn vị hàng năm vẫn tổ chức bắt chó thả rông cũng như phối hợp tuyên truyền người dân ý thức nuôi nhốt vật nuôi”, bà Vân nói thêm.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh) cho biết, người dân đã tự ý thả rông chó, mèo thì phải có biện pháp bảo đảm an toàn như đeo xích, rọ mõm và cần tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi.

Trường hợp thả rông chó, mèo ngoài đường để cắn người khác, gây tai nạn thì chủ phải chịu trách nhiệm bồi thường. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác.

“Nếu vật nuôi gây tổn hại sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương 31-60% thì người chủ sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm về tội Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 138, Bộ luật Hình sự; mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù.

Trường hợp vật nuôi làm chết người thì có thể áp dụng Điều 128, Bộ luật Hình sự, xử lý người chủ về tội Vô ý làm chết người; khung hình phạt lên đến 10 năm tù”, Luật sư Bùi Quốc Tuấn nói.

Theo Luật sư Bùi Quốc Tuấn, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi:  Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;  không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng là từ 1-2 triệu đồng.


Bài, ảnh: TRẦN TIẾN

.
.
.