Vườn quýt đang độ sung, bị chủ đất chặt bỏ không tiếc tay

Thứ Hai, 07/03/2022, 20:31 [GMT+7]
In bài này
.

Phản ánh tới Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Trương Lâm Tiến (TP.Hồ Chí Minh) cho biết, dù đang trong thời hạn thuê đất, nhưng cây trồng của ông bỗng bị chủ đất chặt phá, gây thiệt hại về kinh tế.

Nhiều cây trồng của ông Tiến đã bị chủ đất mới chặt phá.
Nhiều cây trồng của ông Tiến đã bị chủ đất mới chặt phá.

Theo trình bày của ông Tiến, năm 2015 ông có ký hợp đồng (HĐ) thuê 1ha đất tại xã Láng Dài (huyện Đất Đỏ) của vợ chồng ông Trần Ngọc Chiến (xã Long Tân, huyện Đất Đỏ) để trồng cây ăn trái. Giá thuê được hai bên thỏa thuận là 18 triệu đồng/năm, thời hạn thuê 8 năm.  Đến năm 2023, HĐ này mới kết thúc, nhưng chủ đất đã bán đất cho người khác. Người chủ đất mới bèn chặt phá cây trồng, vật kiến trúc trên đất mà ông Tiến thuê, gây thiệt hại kinh tế cho gia đình ông Tiến.

Trao đổi với PV Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trương Lâm Tiến cho biết, sau khi ký HĐ, ông bỏ số tiền 300 triệu đồng đầu tư trồng quýt đường trên 1ha đất thuê của ông Chiến. Đến nay cây quýt khoảng 6-7 năm tuổi. Theo ông Tiến, đây là độ tuổi cho trái năng suất nhất của loại cây này, thế nhưng vườn quýt bị chủ đất mới chặt phá, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Sau sự việc trên, ông Tiến làm đơn khiếu nại ra UBND xã Láng Dài đề nghị địa phương có biện pháp ngăn chặn. Đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết vụ phá hoại tài sản của gia đình trên đất đã thuê.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ngọc Chiến (chủ đất trước đây) thừa nhận ông đã bán đất và HĐ cho thuê đất của ông Tiến còn thời hạn đến tháng 1/2023. Để giải quyết vấn đề này, sau khi bán đất ông Chiến đã làm bản cam kết với chủ đất mới yêu cầu để ông Tiến tiếp tục thực hiện HĐ như ký kết giữa ông và ông Tiến trước đây. Sau khi hết HĐ thuê đất nêu trên nếu gia đình ông Tiến tiếp tục thuê đất, ông Tiến có thể thỏa thuận với chủ đất mới để giải quyết.

Trao đổi về vụ việc, ông Võ Văn Lợi, công chức địa chính UBND xã Láng Dài cho biết, địa phương có nhận được phản ánh của ông Tiến và đã ghi nhận thực tế hiện trường. “Đúng là có hiện tượng chặt phá cây trồng như ông Tiến phản ánh. Tuy nhiên, hiện nay, địa phương chưa nắm được chủ sở hữu mới của thửa đất ông Tiến đang thuê đất nên chưa tiến hành làm việc. Sau khi gặp ông Tiến và có thông tin đầy đủ, địa phương sẽ mời các bên lên làm việc, hòa giải. Nếu hòa giải không thành, UBND xã sẽ hướng dẫn công dân khởi kiện ra tòa”, ông Võ Văn Lợi nói.

Luật sư Thịnh Đình Quang (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, chặt cây của người khác trên đất của mình tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cá nhân, tổ chức sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Ngoài ra, trong trường hợp hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Có thể bị phạt tù từ 3 tháng cho đến 10 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, Khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu rõ: “người nào có hành vi xâm phạm tài sản của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người bị xâm phạm đến tài sản có quyền khởi kiện dân sự yêu cầu người có hành vi vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Vì vậy, theo Luật sư Thịnh Đình Quang, chủ đất không được tự ý chặt cây, phá tài sản của người khác mà chỉ có quyền yêu cầu bên trồng cây tự chặt và di dời cây hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

;
.