.

Xử lý hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Cập nhật: 20:51, 04/02/2020 (GMT+7)

Hỏi: Hiện nay, các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền bên ngoài với điều kiện cho vay khá dễ dàng, nhưng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất vay vốn trong ngân hàng. Vậy, như thế nào là cho vay lãi nặng, pháp luật xử lý hành vi này ra sao?

(Nguyễn Văn Thái, TP.Bà Rịa)

Trả lời: Về mức lãi suất cho vay, Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Theo quy định trên, lãi suất cho vay tối đa trung bình 01 tháng sẽ là 20% chia (:) cho 12 tháng = 1,666%/tháng. 

Về xử lý hành vi cho vay lãi nặng, Bộ luật Hình sự năm 2105 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tại Điều 201 “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” quy định: Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Hình sự dẫn chứng như trên, lãi suất cho vay cao nhất của 01 tháng là: 5 lần x 1,666% = 8,33%. Như vậy, khi mức lãi suất cho vay cao hơn 8,33%/tháng thì cấu thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và bị xử lý theo quy định pháp luật hình sự. 

Tuy nhiên, mức lãi suất trên không áp dụng trong trường hợp luật khác có liên quan quy định khác Bộ luật Dân sự, sẽ không cấu thành “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Cụ thể, Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) 2010 quy định: TCTD được quyền ấn định và phải niêm yết công khai mức lãi suất huy động vốn, mức phí cung ứng dịch vụ trong hoạt động kinh doanh của TCTD. TCTD và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của TCTD theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD, Ngân hàng Nhà nước có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của TCTD.

Luật gia: THANH MAI

 
.
.
.