Sớm giải quyết vướng mắc về bán bảo hiểm cho tàu 67
Nhiều chủ tàu cá được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP (NĐ67) của Chính phủ “về một số chính sách phát triển thủy sản” trên địa bàn tỉnh cho biết, từ tháng 10/2019 đến nay, họ vẫn chưa được mua bảo hiểm thân tàu theo NĐ67. Vì sao có tình trạng này?
Tàu cá đóng mới bằng nguồn vốn ưu đãi theo NĐ67 của ông Trà Văn Hoành phải nằm bờ nhiều tháng nay, do không mua được bảo hiểm nên không dám mạo hiểm vươn khơi. |
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN-PTNT), từ năm 2015-2019, ngân sách Nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm cho tàu cá trên địa bàn tỉnh theo NĐ67 (tàu 67) với kinh phí gần 96 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015 hỗ trợ 1.108 tàu, 9.974 thuyền viên/hơn 24 tỷ đồng; năm 2016, hỗ trợ 1.062 tàu, 11.321 thuyền viên/hơn 29,7 tỷ đồng; năm 2017, hỗ trợ 713 tàu, 8.535 thuyền viên/31,3 tỷ đồng; năm 2018, hỗ trợ 407 tàu, 6.039 thuyền viên/gần 7,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2019, tính đến cuối tháng 9, đã hỗ trợ 171 tàu và 2.407 thuyền viên với số tiền hỗ trợ hơn 3,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 10/2019, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Petrolimex - PJICO (đơn vị được Bộ Tài chính chỉ định bán bảo hiểm) đã tạm dừng việc bán bảo hiểm tàu cá cho chủ phương tiện được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ67, được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 17/2018/NĐ-CP (thân tàu được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm, tai nạn thuyền viên được hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm).
Ông Đỗ Hoa (ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có một tàu vỏ thép dịch vụ hậu cần thủy sản, công suất 1.500CV đóng vào năm 2016 và được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ67. Đến tháng 9/2019, tàu cá của ông Hoa hết hạn bảo hiểm, ông đã liên hệ với PJICO Vũng Tàu để mua thì được thông báo đang ngưng bán bảo hiểm cho tàu cá theo NĐ67. Do chưa có tiền mua 100% bảo hiểm của DN bảo hiểm khác, nên tàu của ông Hoa phải chịu cảnh nằm bờ. “Do không có bảo hiểm, nên tôi không thể đưa tàu ra khơi. Bởi, nếu chẳng may gặp sự cố rủi ro thì phải tự chịu thiệt hại rất lớn”, ông Hoa bày tỏ.
Tương tự, ông Trà Văn Hoành (ngư dân xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) là chủ tàu công suất 822CV hành nghề chụp mực, tuy nằm trong danh sách được hỗ trợ tiền mua bảo hiểm, nhưng cũng phải ngưng đi biển nhiều tháng nay, do PJICO Vũng Tàu ngừng bán bảo hiểm. “Nếu tôi không có sự hỗ trợ của Nhà nước về chi phí mua bảo hiểm tàu cá, thì số tiền phải tự bỏ ra để mua bảo hiểm thân tàu là 130 triệu đồng/năm. Hiện nay, việc ra khơi khai thác thủy sản của ngư dân không mấy hiệu quả, nên gặp khó khăn trong việc tự bỏ tiền mua bảo hiểm. Không có bảo hiểm thì chúng tôi không dám mạo hiểm đưa tàu đi biển”, ông Hoành buồn bã cho hay.
Theo điểm a, khoản 2, Điều 10 của Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT về định biên an toàn tối thiểu thuyền viên tàu cá như sau:
Ngoài số lượng thuyền viên tối thiểu theo quy định, tùy theo đặc điểm nghề khai thác thủy sản, chủ tàu hoặc thuyền trưởng quyết định việc bổ sung số lượng thuyền viên theo chức danh trên tàu cá đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, theo thực tế tại địa phương thì hầu hết các tàu cá chưa đáp ứng đủ yêu cầu, nhất là yêu cầu về thủy thủ và máy trưởng. Vì vậy trong năm 2019 chỉ cấp bảo hiểm Theo nghị định 67 chỉ có 171 tàu cá, và từ đầu tháng 10/2019, Công ty PIJICO Vũng Tàu đã dừng không cấp bảo hiểm cho các tàu cá theo chính sách Nghị định 67.
|
Liên quan tới vấn đề trên, ông Lê Tòng Văn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, mấy tháng qua, nhiều ngư dân đã phản ánh tình trạng Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu không bán bảo hiểm cho tàu của họ. Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã có công văn kiến nghị Tổng cục Thủy sản sớm can thiệp, gỡ vướng việc này để ngư dân mạnh dạn đưa tàu vươn khơi bám biển. Nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Năm, Phó Giám đốc Công ty Bảo hiểm PJICO Vũng Tàu cho biết: Việc tạm ngưng bán bảo hiểm cho ngư dân được hưởng chính sách hỗ trợ theo NĐ67 là theo yêu cầu của Tổng Công ty CP Bảo hiểm PJICO. Do qua quá trình thực hiện bán bảo hiểm, PJICO nhận thấy hầu hết các chủ tàu đều không đáp ứng được các yêu cầu về số lượng, chức danh thuyền viên được quy định tại Điều 10, Thông tư 22/2018/TT-BNNPTNT “Quy định về thuyền viên tàu cá, tàu công vụ thủy sản”. Chính vì vậy, nếu PJICO tiếp tục cấp hợp đồng bảo hiểm, sẽ có rủi ro rất lớn về việc không bồi thường được cho các chủ tàu khi có tổn thất xảy ra. “Đến nay, PJICO Vũng Tàu vẫn chưa nhận được thông báo của Tổng Công ty Bảo hiểm PJICO về việc cấp lại bảo hiểm tàu cá cho ngư dân”, ông Nguyễn Văn Năm cho hay.
Qua diễn biến trên, chúng tôi nhận thấy, vấn đề hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm tàu cá cho ngư dân là một chủ trương lớn, chính sách ưu đãi phát triển thủy sản, giúp ngư dân có thêm điều kiện bám biển mưu sinh, mạnh dạn đưa tàu vươn ra khơi xa khai thác hải sản, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì vậy, vấn đề vướng mắc về mua bán bảo hiểm giữa PJICO và ngư dân cần sớm được các cơ quan thẩm quyền phối hợp giải quyết.
Bài, ảnh: THÀNH HUY