.
BẠN ĐỌC VIẾT:

Phải trân quý đồng tiền!

Cập nhật: 19:33, 25/06/2019 (GMT+7)

Hiện nay, vẫn còn nhiều người xem thường tiền cũ, tiền mệnh giá thấp. Khi giao dịch thanh toán, người nhận những đồng tiền ấy một cách miễn cưỡng, khó chịu, thậm chí trả lại không chấp nhận thanh toán. Điều này có thể tạo ra mâu thuẫn giữa người bán và người mua. Xét về mặt pháp lý, đó là hành vi vi phạm quy định pháp luật về lưu thông tiền tệ.

Thùng tiền quyên góp làm từ thiện tại siêu thị là nơi có thể bỏ vào đây các loại tiền mệnh giá lớn - nhỏ, tiền cũ, tiền rách nhẹ nhưng vẫn còn đủ tiêu chuẩn lưu thông để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thùng tiền quyên góp làm từ thiện tại siêu thị là nơi có thể bỏ vào đây các loại tiền mệnh giá lớn - nhỏ, tiền cũ, tiền rách nhẹ nhưng vẫn còn đủ tiêu chuẩn lưu thông để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tôi từng sử dụng tiền lẻ để mua văn phòng phẩm hoặc những thứ lặt vặt khác ở các tiệm tạp hóa hoặc ở chợ, tuy nhiên, hầu hết tôi bị từ chối. Có vài lần đi xe buýt, nhân viên thu tiền vé đã trả lại tôi tờ 500 đồng với lý do “Tiền này giờ không ai xài anh ơi”. Thậm chí khi đưa những tờ tiền giấy cotton mệnh giá thấp như 1.000, 2.000, 5.000 đồng bị nhàu, xỉn màu, nhiều người tỏ thái độ chê tiền cũ, kể cả nhân viên xe buýt. Có những tờ tiền, dù mệnh giá không nhỏ, nhưng bị rách nhẹ, vẫn trong chuẩn lưu thông cũng bị từ chối, dù dán lại là dùng được.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12: Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam. Còn tại Điều 23 của luật này quy định các hành vi bị cấm, trong đó có hành vi: Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.

Hiện nay, tờ tiền mệnh giá 200 đồng vẫn là đồng tiền đang lưu thông, nhưng dường như chẳng ai chịu nhận. Có chăng chỉ là bưu điện, ngân hàng, siêu thị… mới chấp nhận giao dịch. Thành ra, mỗi khi có những tờ tiền mệnh giá nhỏ, nhiều người chỉ biết mang về để vào một góc nào đó rồi quên luôn. Điều đó sinh ra lãng phí việc in ấn, phát hành đồng tiền. Tương tự, đồng tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành vẫn có giá trị lưu thông, nhưng nếu đem đi thanh toán cũng không ai chịu giao dịch. Ở nhà tôi, đến giờ vẫn còn cất trữ hũ tiền kim loại nhiều mệnh giá (200, 500, 1.000, 2.000, 5.000) khoảng 2 triệu đồng.

Có trường hợp, khi đi trên đường gặp những tờ tiền mệnh giá nhỏ bị ai đó đánh rơi, người ta nhìn rồi bỏ đi (tiền mệnh giá lớn thì khác). Bởi tâm lý sợ “xui xẻo”, sợ quê, sợ bị người khác nói “thấy sang mà nhặt tiền lẻ”. Suy nghĩ này tạo nên thói quen lãng phí tiền bạc, có nhiều đồng tiền mệnh giá nhỏ bị đánh rơi sẽ phân hủy theo thời gian. Dù những đồng tiền lẻ không đáng là bao, nhưng nếu chúng ta mang bỏ vào thùng từ thiện ở các siêu thị, trung tâm thương mại… thì rất đáng trân trọng, vì đây là việc làm “đóng góp nhỏ, ý nghĩa lớn” giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.

Chức năng chính của đồng tiền là vật thanh toán ngang giá trong giao dịch mua bán, trao đổi tài sản. Vì vậy, mọi người cần thay đổi suy nghĩ trong việc sử dụng đồng tiền lẻ, tiền cũ, tiền rách nhẹ nhưng vẫn còn đủ tiêu chuẩn lưu thông. Khách mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ có quyền dẫn chứng luật định để yêu cầu người bán hàng hiểu và chấp nhận giao dịch.

Mặt khác, người lớn cần phải trân quý và làm gương cho trẻ em về cách bảo quản, sử dụng đồng tiền đúng cách, giáo dục trẻ biết yêu quý đồng tiền dù bất cứ mệnh giá nào. Khi có những đồng tiền lẻ cho trẻ, nên hướng dẫn trẻ bỏ “ống heo” tiết kiệm để góp vào quỹ giúp bạn học của nhà trường; hoặc bỏ vào những thùng từ thiện tại các cửa hàng, nơi công cộng và giải thích ý nghĩa của việc làm mang tính nhân văn này để trẻ hình thành thói quen tốt trong giao tiếp xã hội.

NGUYỄN HOÀNG DUY

.
.
.