Kiện hàng xóm vì hầm chứa nước thải
Ông Phan Văn Hóa (trú tại ấp 1, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) gửi đơn đến Báo Bà Rịa-Vũng Tàu phản ánh, người hàng xóm là ông Mai Quang Khương xây một hầm chứa nước thải ngay bên cạnh 2 giếng nước của nhà ông đang sử dụng, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm.
Ông Phan Văn Hóa bên giếng nước khoan của gia đình.
|
Ông Phan Văn Hóa trình bày: Năm 1999, gia đình ông đào 1 giếng nước trên thửa đất số 74, tờ bản đồ số 4, tọa lạc tại xã Tóc Tiên để phục vụ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Đến năm 2016, ông Hóa đào thêm 1 giếng nước nữa, cách giếng cũ khoảng hơn 5m. Tại thời điểm đào giếng nước thứ 2 này, thửa đất số 25, tờ bản đồ số 4 (xã Tóc Tiên) của ông Mai Quang Khương sát ngay bên cạnh thửa đất gia đình ông Hóa vẫn để trống. Đầu năm 2017, ông Mai Quang Khương cho xây một hố ga kích thước 4m x 4m, sâu 1,5m để chứa nước thải cho khu nhà trọ trên thửa đất số 25. Hố ga này cách 2 giếng nước của ông Hóa lần lượt là 3m và 5,5m. Ông Hóa cho rằng, việc xây dựng hố ga chứa nước thải từ phòng trọ của ông Khương có nguy cơ gây ô nhiễm đến nguồn nước giếng của gia đình ông đang sử dụng hàng ngày. “Khi ông Khương xây hố ga, tôi đã làm đơn gửi chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp, yêu cầu ông Khương di dời hố ga ra xa khu vực giếng khoan nhưng bất thành. Vì vậy, nguồn nước giếng có thể bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình tôi”, ông Hóa lo lắng nói.
Trong khi đó, ông Mai Văn Khương cho biết, thửa đất số 25, tờ bản đồ số 4 xã Tóc Tiên đã được UBND huyện Tân Thành (nay là TX.Phú Mỹ) cấp giấy CNQSDĐ số hiệu BB 548236 ngày 24-6-2010 cho ông Khương. Đầu năm 2017, ông xây 20 phòng trọ và 2 hầm chứa nước thải ở 2 đầu dãy nhà trọ. Hầm thứ nhất nằm đầu dãy trọ có kích thước 4m x 4m x 1,5m, được chia thành 4 ngăn xây tô, trong đó có 1 ngăn đổ bê tông chống thấm, 3 ngăn còn lại không đổ bê tông phần đáy mà chỉ đổ 1 lớp đá mi và cát để tự thấm xuống đất. Hầm thứ hai ở cuối dãy phòng trọ có kết cấu tương tự hầm 1. Việc xây các hầm chứa nước thải đúng quy cách nên không thể gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Trước thực tế này, ông Hóa đã khởi kiện vụ việc ra TAND huyện Tân Thành với yêu cầu ông Khương phải phá dỡ, hủy bỏ 1 hầm chứa nước thải ảnh hưởng đến 2 giếng nước của gia đình ông. Tại bản án dân sự sơ thẩm số 06/2018/DS-ST ngày 29-3-2018, TAND huyện Tân Thành chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Hóa, buộc ông Khương phải phá dỡ hầm chứa nước thải thứ nhất có kích thước 4m x 4m x 1,5m; đồng thời tháo dỡ các đường ống dẫn thoát nước nối vào hầm và san lấp mặt bằng trả lại hiện trạng ban đầu.
Ông Mai Quang Khương không đồng ý bản án của tòa sơ thẩm như trên và kháng cáo lên TAND tỉnh. Tại bản án Dân sự phúc thẩm số 57/2018/DS-PT ngày 25-7-2018, TAND tỉnh chấp nhận kháng cáo của ông Mai Quang Khương, bác yêu cầu của ông Phan Văn Hóa. Tòa phúc thẩm nhận định, khi xây dựng giếng khoan thứ 2 vào năm 2016, ông Hóa tự xác định vị trí đặt giếng cạnh ranh giới thửa đất số 25 mà không có bất kỳ thỏa thuận nào về vùng bảo hộ vệ sinh nguồn nước với chủ đất bên cạnh là ông Khương. Do vậy, ông Khương không có nghĩa vụ phải xây dựng công trình vệ sinh trên phần đất ngoài vùng bảo hộ vệ sinh giếng khoan của ông Hóa. Hơn nữa, gia đình ông Khương xây dựng hầm chứa nước thải trên phần đất đã được sử dụng hợp pháp. Bên cạnh đó, gia đình ông Hóa hiện đang sử dụng nguồn nước sạch của Nhà máy nước Châu Pha.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Hóa vẫn không đồng ý với bản án phúc thẩm, tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho gia đình ông.
Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu về vụ việc này, ông Thân Đăng Phong, Chủ tịch UBND xã Tóc Tiên cho biết, vụ việc đã được các bên khởi kiện ra TAND 2 cấp và bản án đã có hiệu lực pháp luật nên chính quyền địa phương không có chức năng, thẩm quyền giải quyết. Nếu trong quá trình sử dụng giếng nước tới đây, ông Hóa phát hiện nguồn nước giếng bị ô nhiễm thì kiến nghị các ngành chức năng giám định nguồn nước để có cơ sở xử lý tiếp theo.
Bài, ảnh: SƠN KHÊ