Tăng cường kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu
Chỉ còn 3 tuần nữa là đến Tết Trung thu, hiện nay, nhiều loại bánh Trung thu đã được bày bán khắp nơi. Bên cạnh những thương hiệu bánh Trung thu quen thuộc, cũng có những loại bánh không rõ nguồn gốc được bày bán tại các cửa hàng, khiến người tiêu dùng lo lắng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Trước thực trạng này, cơ quan chức năng cho biết sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chế biến, kinh doanh bánh Trung thu.
Người tiêu dùng nên chọn mua bánh Trung thu của những thương hiệu bánh uy tín, có đóng gói bao bì, ghi rõ xuất xứ, thành phần nguyên liệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, có mã vạch kiểm tra truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong ảnh: Khách hàng chọn mua bánh Trung thu tại một cửa hàng ở phường 3, TP.Vũng Tàu. Ảnh: GIA BẢO |
Chị Nguyễn Hồng Vân (ngụ tại khu phố 3, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) cho biết, vào mỗi dịp Trung thu, chị thường mua bánh để tặng người thân. Cuối tuần qua, chị Vân đến một điểm bán bánh Trung thu trên đường Cách Mạng Tháng Tám (TP.Bà Rịa) để tìm hiểu các sản phẩm. Tại đây, ngoài sản phẩm bánh Trung thu của các hãng quen thuộc như: Kinh Đô, Hữu Nghị..., chị Vân được chủ cửa hàng giới thiệu một loại bánh Trung thu “nhà làm” với giá 80 ngàn đồng/hộp 300g. “Loại bánh này có mùi thơm khá đặc biệt nên tôi rất thích. Tuy nhiên, trên bao bì của sản phẩm không ghi tên cơ sở sản xuất cũng như các thành phần nguyên, phụ liệu. Vì vậy, tôi đã không chọn mua loại bánh này”, chị Vân cho hay.
Ông Tiêu Văn Linh, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết, nhằm bảo đảm ATVSTP trong dịp Tết Trung thu năm nay, tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất những mặt hàng thực phẩm sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu. Theo kế hoạch, từ ngày 6-9 đến 5-10-2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra tại 26 cơ sở sản xuất bánh Trung thu trên địa bàn tỉnh. Nội dung kiểm tra chủ yếu tập trung vào nguồn gốc, xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu, lấy mẫu giám định chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm ATVSTP của cơ sở... “Nếu phát hiện các cơ sở kinh doanh bánh Trung thu trên địa bàn có vi phạm về việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, Đoàn kiểm tra sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Tiêu Văn Linh nói.
Theo ông Lê Hoàng Mãnh, Trưởng Phòng Thương mại - Công nghiệp (Sở Công thương), dịp này, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Trung thu. Theo đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh các mặt hàng nguyên liệu, chất phụ gia dùng chế biến bánh Trung thu thành phẩm và các loại bánh kẹo khác; Điều kiện bảo đảm ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vận chuyển thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, đại lý, cửa hàng kinh doanh bánh Trung thu; Thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng...
Bên cạnh việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường của các cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng nên lưu ý khi chọn mua và sử dụng bánh Trung thu để bảo đảm an toàn cho sức khỏe. Theo đó, người dân nên mua bánh Trung thu của các cơ sở có uy tín, thương hiệu lâu năm đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế. Đồng thời, chỉ chọn mua những sản phẩm được đóng gói cẩn thận, có ghi đầy đủ các thông tin về cơ sở sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần nguyên liệu… theo quy định. “Các loại bánh Trung thu trôi nổi, giá rẻ thường đóng gói sơ sài và không có thông tin cơ sở sản xuất. Người tiêu dùng tuyệt đối không lựa chọn mua sản phẩm không có nguồn gốc, hết hạn sử dụng, không có bao bì hoặc bao bì hư, rách… sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe”, ông Tiêu Văn Linh khuyến cáo.
THANH HẢI
Theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định: Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức. |