Vụ ngập lụt tại xã Tân Phước (Tân Thành) tháng 10-2017: Người dân mong sớm được hỗ trợ
Các hộ dân ở tổ 8, tổ 9 (ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành) gửi thư đến Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, phản ánh: Khi mở rộng KCN Phú Mỹ II, hàng loạt cống thoát nước ở tổ 8, tổ 9 bị san lấp, thu hẹp. Nên đợt mưa lớn tháng 10-2017 đã làm ngập úng toàn bộ khu vực, gây thiệt hại sản xuất và tài sản của người dân. Nhưng đến nay, các hộ dân vẫn chưa được hỗ trợ khiến họ không có vốn để tái đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.
Do bị thiệt hại nặng nề, không có vốn tái đầu tư sản xuất ông Khuôn (tổ 8, ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước, huyện Tân Thành) đành để ao nuôi tôm bỏ hoang. |
Khu vực tổ 8, tổ 9 (ấp Song Vĩnh, xã Tân Phước) nằm giáp ranh với hành lang an toàn đường ống dẫn khí dài gần 2km, từ đường Chinfon đến đường 965 cảng Cái Mép. Người dân nơi đây cho hay, trước đây, khu vực này có 9 cống thủy lợi để thoát nước, sau khi KCN Phú Mỹ I thành lập đã lấp hết 8 cái, chỉ chừa lại 1 cống thoát nước duy nhất, nhưng vẫn đủ để thoát nước cho toàn bộ khu vực tổ 8, tổ 9.
Đến khi Công ty Nhôm Hoàn Cầu (nằm trong KCN Phú Mỹ II) làm nhà máy, san lấp mặt bằng, đã lấp ngang miệng cống, xây dựng hàng rào, chỉ chừa mương thoát nước khoảng 1m. Lo lắng hệ thống thoát nước quá nhỏ, gây ngập úng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, chăn nuôi, tháng 3-2017, người dân tổ 8, tổ 9 đã gửi đơn đến UBND xã Tân Phước để được can thiệp, giúp đỡ, nhưng không được quan tâm giải quyết. Đến tháng 10-2017, có đợt mưa lớn kéo dài, nước không thoát kịp, dâng cao gần 1m, toàn bộ khu vực tổ 8, tổ 9 chìm trong biển nước, hàng chục tấn cá, tôm, cua… trong các ao nuôi tràn ra sông Bà Lời, gây thiệt hại nặng cho các hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Theo thống kê của UBND xã Tân Phước, trong đợt mưa lớn tháng 10-2017, tại khu vực tổ 8, tổ 9 có 23 hộ dân bị thiệt hại tài sản. Thiệt hại nhiều nhất là các hộ nuôi tôm, cua, cá chẽm, cá trê… hầu như bị mất trắng. Ngoài ra, các hộ dân cũng bị hư hỏng một số xe máy, tivi, tủ lạnh, máy nổ, máy bơm nước, giường, tủ…
Ông Mai Ngọc Khuôn (tổ 8, ấp Sông Vĩnh) cho biết, khu vực này 20 năm qua chưa hề bị ngập úng. Nhưng trong đợt mưa lũ năm 2017 vừa rồi, toàn bộ khu vực này bị ngập nước, gia đình ông Khuôn bị thiệt hại 3 ao nuôi tôm với số lượng hơn 700 ngàn con tôm thẻ đang đến mùa thu hoạch, ước tính mất hơn 400 triệu đồng.
Tương tự, 1,5ha ao nuôi cá chẽm của gia đình anh Đỗ Minh Thông (tổ 9, ấp Sông Vĩnh) cũng bị ngập chìm trong đợt mưa lớn 2017 vừa rồi, thiệt hại gần 2.000 con cá chẽm đang thả nuôi, trị giá thiệt hại khoảng 200 triệu đồng. “Trong tháng 10-2017, mưa lớn gây ngập úng tại khu vực tổ 8, tổ 9 tới 4 lần. Người dân không những bị thiệt hại nặng trong nuôi trồng thủy sản mà hàng ngàn con gà, vịt, heo cũng bị mất trắng”, anh Thông cho hay.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực tổ 8, tổ 9 hiện có khá nhiều ao nuôi tôm, cá đang bị bỏ hoang, do người dân bị thiệt hại trong đợt ngập úng tháng 10-2017 nhưng chưa được hỗ trợ, nên gặp khó khăn về vốn để tái đầu tư sản xuất. “Vụ tôm năm rồi gia đình tôi trắng tay, tiền nợ ngân hàng, nợ thức ăn nuôi tôm hàng trăm triệu đồng không biết lấy gì để trả. Đến nay, các ao nuôi tôm của gia đình tôi cũng đành phải bỏ hoang vì không có vốn để tổ chức nuôi trở lại”, ông Khuôn rầu rĩ nói.
Ông Nguyễn Tấn Hiệp, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tân Thành cho biết, thiệt hại về sản xuất của các hộ dân ở khu vực tổ 8, tổ 9 trong đợt ngập úng năm 2017 vừa qua sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai, dịch bệnh”. Còn phần tài sản khác của người dân bị thiệt hại, chưa xác định được do tổ chức, cá nhân nào gây ra để yêu cầu bồi thường.
Tuy nhiên, các hộ dân ở khu vực tổ 8, tổ 9 không chấp nhận việc được hỗ trợ thiệt hại vì thiên tai. Bởi họ cho rằng, khu vực tổ 8, tổ 9 (ấp Song Vĩnh) trước đây chưa hề bị ngập úng, riêng năm 2017 vừa rồi, do đường mương thoát nước bị Công ty nhôm Hoàn Cầu san lấp, hạn chế dòng chảy nên mới gây ngập úng cục bộ. “Tình trạng ngập lụt vừa qua là do con người gây ra chứ không phải thiên tai. Do đó, chúng tôi mong muốn chính quyền tỉnh, huyện và các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân tổ 8, tổ 9 để xác định rõ nguyên nhân khiến xảy ra ngập lụt, có giải pháp khắc phục thiệt hại, yêu cầu doanh nghiệp đền bù cho người dân tái đầu tư sản xuất”, anh Đỗ Minh Thông kiến nghị.
Ông Bùi Chí Lãm, Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, lúc khu vực tổ 8, tổ 9 - ấp Song Vĩnh bị ngập lụt vào tháng 10-2017, UBND xã đã di dời các hộ dân để bảo đảm an toàn và tiến hành khảo sát, tìm hiểu nguyên nhân gây ngập úng để khắc phục. Theo đó, UBND xã xác định do trong quá trình thi công KCN Phú Mỹ II, đơn vị thi công đã san lấp một phần dòng chảy tự nhiên, nên khi mưa lớn nước không thoát kịp gây ngập úng cục bộ. “Nhằm giải quyết tình trạng ngập úng ở khu vực này, UBND huyện Tân Thành đã có chủ trương nạo vét, khai thông và đầu tư xây dựng tuyến mương từ tổ 8, tổ 9 ra hàng rào KCN Phú Mỹ II với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Hiện dự án đầu tư đã được phê duyệt, sẽ sớm triển khai thực hiện trước mùa mưa năm nay”, ông Lãm cho hay.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG