.

Bất an với những vỏ lãi "nhiều không"

Cập nhật: 18:08, 02/04/2018 (GMT+7)

Gần đây, trên địa bàn tỉnh có nhiều vỏ lãi (một loại ghe được gắn động cơ dùng vận chuyển người và hàng hóa trên sông) hoạt động. Với tốc độ di chuyển cao, phương tiện không được đăng ký, đăng kiểm, người điều khiển không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn…, loại phương tiện này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.

PHƯƠNG TIỆN “4 KHÔNG’

Một vỏ lãi hoạt động ở khu vực bến đò Bà Phó (sông Mỏ Nhát, ấp Phước Hiệp, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành).
Một vỏ lãi hoạt động ở khu vực bến đò Bà Phó (sông Mỏ Nhát, ấp Phước Hiệp, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành).

Đã hơn một tháng qua, người dân sinh sống tại khu vực bến đò Bà Phó (sông Mỏ Nhát, ấp Phước Hiệp, xã Tân Hòa, huyện Tân Thành) vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn đường thủy giữa 2 phương tiện vỏ lãi, cướp đi sinh mạng của anh Nguyễn Đức Dung (18 tuổi, quê Nam Định). Cụ thể, vào lúc 5 giờ 30 sáng 23-2, khi đang vận chuyển hàng hóa từ bờ ra lồng bè nuôi cá trên sông Mỏ Nhát, chiếc vỏ lãi do anh Dung điều khiển đã va chạm với vỏ lãi của anh Nguyễn Văn Tú Em (38 tuổi, quê Tiền Giang). Hậu quả, anh Dung té xuống sông và tử vong. 

Có mặt tại bến đò Bà Phó, chúng tôi ghi nhận, khu vực này là lạch đi ra sông Mỏ Nhát với nhiều đoạn cua khúc khuỷu. Hai bên dòng sông có khá nhiều lồng bè nuôi hàu. Khi nước cạn, có thể nhìn thấy những lồng bè này, nhưng nước lớn thì rất khó phát hiện, phương tiện thủy rất dễ đụng vào. Trong khi đó, quanh bến đò có khoảng 120 vỏ lãi thường xuyên hoạt động để người dân và hàng hóa từ bờ ra lồng bè và ngược lại. Người điều khiển phương tiện không mang áo phao, vỏ lãi hoạt động cả vào ban đêm nhưng lại không có đèn tín hiệu. Các vỏ lãi được người dân mua từ miền Tây với giá 15-20 triệu đồng/chiếc. Với ưu thế nhỏ, gọn, vừa túi tiền và lưu thông tốc độ cao (khoảng 30-50km/giờ), đây là phương tiện đường thủy khá phổ biến của người dân nơi đây và được xem là “xe gắn máy trên sông”. 

Người dân sử dụng vỏ lãi để chở người, hàng hóa từ bờ ra bè nuôi trồng thủy sản.
Người dân sử dụng vỏ lãi để chở người, hàng hóa từ bờ ra bè nuôi trồng thủy sản.

Sau vụ tai nạn giữa 2 vỏ lãi nêu trên, ông Nguyễn Văn Bắp (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Tân Hòa) luôn lo lắng mỗi khi người thân sử dụng vỏ lãi. “Vụ tai nạn là hồi chuông cảnh báo đối với các chủ phương tiện vỏ lãi. Tôi luôn tự nhủ bản thân cũng như dặn dò từng thành viên trong gia đình không được uống rượu say, chạy tốc độ cao và chở nặng khi điều khiển vỏ lãi, bởi phương tiện này chạy rất nhanh, nếu lơ là, bất cẩn thì hậu quả khôn lường”, ông Bắp nói.

Còn ông Nguyễn Văn Hà, một chủ ghe nhỏ ở ấp Tân Lộc, xã Tân Hòa cho biết: “Một số người điều khiển vỏ lãi chạy rất ẩu, thường xuyên luồn lách vượt ẩu qua các ghe, tàu khác. Mỗi lần gặp phải võ lãi, đặc biệt vào ban đêm, tôi luôn cảm thấy bất an. Đề nghị cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý đối với loại phương tiện này để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy”.

Theo Trung tá Đỗ Tuấn Hùng, Phó Phòng CSGT đường thủy (PC68) - Công an tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 215 vỏ lãi, tập trung chủ yếu tại khu vực nuôi thủy sản lồng bè trên các sông thuộc địa bàn huyện Tân Thành và TP.Vũng Tàu. Phương tiện này được người dân sử dụng để chở người, hàng hóa từ bờ ra bè nuôi trồng thủy sản. 

Ghi nhận thực tế cho thấy, vỏ lãi hoạt động trên địa bàn tỉnh hầu hết là phương tiện “4 không”: không đăng ký, không đăng kiểm, không trang bị các thiết bị an toàn cho người và phương tiện, người lái không giấy phép điều khiển. 

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ

Lực lượng Cảnh sát đường thủy tuyên truyền Luật giao thông đường thủy cho người sử dụng vỏ lãi. 
Lực lượng Cảnh sát đường thủy tuyên truyền Luật giao thông đường thủy cho người sử dụng vỏ lãi. 

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, tặng áo phao cho các chủ vỏ lãi nhưng ít người sử dụng và chấp hành. Công tác kiểm tra xử lý vi phạm cũng gặp nhiều khó khăn do phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm nên khó có căn cứ để xử lý (khi xử lý phải căn cứ vào trọng tải, công suất máy…).

Ông Trần Văn Lang, Phó Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải (thuộc Sở GT-VT) cho hay, loại phương tiện này thuộc trường hợp phải đăng kiểm theo Thông tư 48 ngày 22-9-2015 của Bộ GT-VT về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Tuy nhiên, đa số người dân thường mua vỏ lãi tại các cơ sở, DN ở miền Tây, sau đó mua động cơ trôi nổi trên thị trường để lắp trên phương tiện nên không có đầy đủ giấy tờ để đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Do vậy, người dân nếu có nhu cầu sử dụng vỏ lãi thì nên mua ở cơ sở uy tín, có đầy đủ hồ sơ phương tiện để thuận lợi trong việc đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định. 

Trung tá Đỗ Tuấn Hùng cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người điều khiển phương tiện vỏ lãi trong việc chấp hành pháp luật về giao thông đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, PC68 sẽ phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức các lớp đào tạo cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. 

Bài, ảnh: PHƯƠNG NAM

Ngày 22-11-2017, UBND tỉnh đã có văn bản số 11338 về việc tăng cường công tác quản lý phương tiện thô sơ, phương tiện nhỏ gắn máy có tốc độ cao. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở GT-VT chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền các quy định pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; tổ chức quản lý, đăng ký phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc sức chở dưới 5 người; đăng kiểm số phương tiện nhỏ gắn máy công suất lớn, có tốc độ cao; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.

 

.
.
.