Trẻ cậy cha, già… cậy ai?

Thứ Sáu, 22/03/2024, 15:09 [GMT+7]
In bài này
.

Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con”, với ý nghĩa là con cái khi còn bé thì được cha mẹ nuôi nấng bảo vệ, đến lúc cha mẹ già yếu thì sẽ có con cái để nương tựa. Tuy nhiên trong thực tế cuộc sống hiện nay, điều này đôi khi khó thực hiện.

Tuổi già cần lắm sự chăm sóc, sẻ chia của con cái, bầu bạn với hàng xóm láng giềng. Trong ảnh: Một “đôi bạn già” đi dạo trong Khu Đô thị Chí Linh, TP.Vũng Tàu.
Tuổi già cần lắm sự chăm sóc, sẻ chia của con cái, bầu bạn với hàng xóm láng giềng. Trong ảnh: Một “đôi bạn già” đi dạo trong Khu Đô thị Chí Linh, TP.Vũng Tàu.

Cô đơn tuổi già

Tranh thủ trong giờ ra chơi, anh Nguyễn Đức Minh, giáo viên tại một trường THPT ở TP.Vũng Tàu mở camera xem thì thấy mẹ đang ngồi lủi thủi một mình ngó ra đường. “Tôi đã khóc khi nhìn thấy cảnh đó. Ba tôi mất cách đây hơn năm. Mẹ nay đã 75 tuổi, lại bị suy thận, tiểu đường, việc đi lại khó khăn nhưng lại không có ai bên cạnh”, anh Minh chia sẻ.

Dù rất muốn đón mẹ từ Châu Đức về ở cùng để chăm sóc nhưng bà lại từ chối vì không muốn thay đổi nơi sống quen thuộc hàng chục năm nay và cho rằng ở thành phố rất buồn. “Hai vợ chồng cả ngày đi làm, cháu thì đi học. Một mình loanh quanh trong nhà rất bí bách” - cụ lý giải.

Ba mẹ của anh Minh có 4 người con, hiện đều lập nghiệp ở TP.Hồ Chí Minh và TP.Vũng Tàu. Trước đây, ông bà là chỗ dựa tinh thần cho nhau. Vào cuối tuần, 4 anh chị em thay phiên về nhà thăm ba mẹ. Nhưng kể từ khi ba mất, sức khỏe của mẹ anh Minh yếu hẳn, bệnh tật ngày càng nặng. Anh chị em bàn nhau tìm người giúp việc để có người vừa bầu bạn, vừa chăm sóc mẹ. Tuy nhiên, việc làm này cũng chưa hiệu quả khi không tìm ra người phù hợp.

Trường hợp của anh Minh cũng là tình trạng chung của nhiều gia đình có cha mẹ già hiện nay. Đó là người già càng ngày cô đơn, đối diện nguy cơ suy giảm chất lượng sống do bệnh tật, nguồn thu nhập giảm và không có người chăm sóc, bầu bạn.

Chị Phạm Thị Tám, ở đường Hàn Thuyên, phường Rạch Dừa, TP.Vũng Tàu chia sẻ, chị cũng đang “hết sức đau đầu” khi ba mẹ đều hơn 80 nhưng không có người chăm sóc. Dù chị là con một nhưng ông bà cũng không muốn rời quê để vào Vũng Tàu sống cùng gia đình con gái. Trường hợp của chị Tám còn éo le hơn anh Minh khi ba mẹ đều sống ở huyện ngoài Nghệ An.

“Bình thường thì nhờ người thân qua lại, nhưng khi ông hoặc bà bệnh phải nhập viện là tôi ngay lập tức phải mua vé máy bay về liền. Mấy năm qua, số chuyến bay về càng nhiều, lúc nào trong lòng cũng bất an và lo lắng cho ba mẹ”, chị Tám cho hay.

Và chính sách an sinh xã hội cho người già

Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam bắt đầu giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 với số người cao tuổi trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Sau 10 năm, số người cao tuổi chiếm 8,3% tổng dân số, tức 8,16 triệu người. Dự báo, số này tăng lên 16,8 triệu vào năm 2039; 25,2 triệu vào năm 2069. Như vậy, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ 2036, khi tỷ trọng nhóm dân số từ trên 65 tuổi đạt 14% tổng dân số.

Thống kê cũng cho thấy, 73% người già Việt Nam không có lương hưu, phải sống phụ thuộc vào con cái. Trong đó, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định. Chi phí điều trị mỗi năm dành cho người cao tuổi cao gấp 8-10 lần người trẻ.

Trong khi đó, khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con cháu giảm từ 79,7% vào năm 1993 xuống còn 28,4% năm 2017.

Cứ 2,2 người cao tuổi thì có một người không hạnh phúc khi sống trong gia đình mở rộng. Như trường hợp của mẹ anh Nguyễn Đức Minh chẳng hạn, trong khoảng thời gian xuống ở cùng đã phát sinh nhiều vấn đề. Đơn cử như, bà có thói quen ăn sớm, đúng giờ, bữa trưa 11 giờ và tối thường là 18 giờ, trong khi đó vợ chồng anh thường về muộn sau thời gian trên. Trong khi tuổi già có nhu cầu trò chuyện thì hầu hết các gia đình hàng xóm chung quanh đều đi làm, cửa đóng im ỉm cả ngày. Chưa đầy 1 tuần, bà đã bắt anh Minh đưa về lại Châu Đức vì “không quen, không thích” cuộc sống ở thành phố.

Những con số thống kê trên cũng là thách thức trong thực hiện chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi hiện  nay. Ngoài sự chăm sóc của con cái “già cậy con”, cần triển khai mạnh mẽ và đồng bộ chính sách về an sinh xã hội cho người cao tuổi như y tế, chăm sóc sức khỏe, văn hóa tinh thần… để người già “sống vui, sống khỏe”.

Ai rồi cũng sẽ già đi. Do vậy mỗi người ngoài sự chuẩn bị về sức khỏe, tài chính thì cũng hãy sẵn sàng, chủ động tâm thế để tuổi già hạnh phúc, vui vẻ.

GIA GIA

 

;
.