Chữa trị và phòng ngừa hen suyễn

Thứ Sáu, 22/03/2024, 15:08 [GMT+7]
In bài này
.

Hỏi: Thưa bác sĩ, gần đây tôi hay bị khó thở, thở khò khè, nặng ngực và ho. Tôi đến một phòng chụp X quang tư nhân gần nhà để chụp và sau khi xem phim, người chụp chỉ nói tôi bị suyễn rồi khuyên tôi đi chữa. Xin bác sĩ cho biết vì sao bị suyễn và tôi phải chữa như thế nào?

(holoa…@gmail…)

Trả lời: Hen suyễn (hay còn gọi là hen phế quản) là hệ quả của bệnh viêm niêm mạc phế quản mạn tính, gây ra bởi tình trạng tắc nghẽn đường thở do phù nề, niêm mạc phế quản tăng tiết đờm rãi, cơ trơn phế quản co thắt. Tuỳ vào cơ địa của từng người, cơn hen suyễn xuất hiện khi gặp các tác nhân kích thích trực tiếp hoặc gián tiếp vào phế quản, chẳng hạn như khói thuốc lá, khói xe, khói do đốt than, củi, bụi bặm, đôi khi còn do mùi thơm của nước hoa, mùi hăng của thuốc xịt muỗi, mùi của một số hoá chất, hít phải lông chó, mèo, nấm mốc, thời tiết thay đổi, bị bệnh viêm xoang…

Các triệu chứng của hen suyễn bắt đầu bằng khó thở, thở hổn hển, tức ngực, có tiếng rít khi thở, người bệnh phải ngồi dậy để thở. Khi đã qua cơn, hiện tượng khó thở giảm dần, người bệnh khạc ra đờm trong, dính, đặc. Những người dễ mắc phải hen suyễn gồm người có cơ địa dị ứng, trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần, trẻ có bố mẹ bị  suyễn, người nghiện thuốc lá, người thừa cân, béo phì, người có tiền sử mắc bệnh về hô hấp…

Khi bị hen suyễn và nếu không điều trị hoặc điều trị không đến nơi đến chốn, người bệnh sẽ mắc các biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng như khí phế thũng, tâm phế mạn, biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn tính, xẹp phổi, tràn khí màng phổi.

Vì vậy, chị nên đến các cơ sở y tế để thăm khám vì thật ra, nếu chỉ nhìn vào phim X quang mà kết luận là hen suyễn thì chưa có cơ sở chắc chắn bởi lẽ những người bị giãn phế quản, bị tắc nghẽn phế quản phổi (COPD) cũng có một số triệu chứng như vừa nêu ở trên. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ tiến hành đo chức năng hô hấp nhằm đánh giá phổi của chị hoạt động như thế nào đồng thời sử dụng hô hấp ký để chẩn đoán xác định bệnh hen suyễn, cũng như theo dõi sự tiến triển của bệnh. Bên cạnh đó, chị cũng sẽ được cho chụp CT rồi tuỳ theo kết quả, chị sẽ được điều trị bằng thuốc uống, thuốc tiêm hoặc thuốc hít theo đường hô hấp.

Nếu đã bị suyễn, chị cần tránh xa những nơi có khói thuốc lá, giảm thiểu hoặc loại bỏ hoàn toàn việc nấu nướng trong nhà bằng củi, than, đeo khẩu trang khi ra đường để tránh hít phải khói xe, bụi bặm.

Trong sinh hoạt, cố gắng duy trì ít nhất 15 phút thể dục mỗi ngày vào sáng sớm bằng cách đi bộ chậm rãi, vừa đi vừa hít sâu rồi thở ra từ từ. Nếu ở gần biển thì bơi lội là phương pháp tốt nhất để làm tăng dung tích phổi nhưng cũng như đi bộ, thoạt đầu nên bơi chậm, khoảng 15 phút rồi sau mới dần tăng lên.

Bs NGUYỄN THỊ PHƯƠNG MAI

 
;
.