TUYỂN SINH 2024

Thêm ngành học mới, nhiều cơ hội cho thí sinh

Thứ Sáu, 16/02/2024, 18:06 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều trường đại học trong top đầu cả nước dự kiến mở ngành mới trong mùa tuyển sinh năm 2024. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành, nghề đăng ký tuyển sinh vào đại học.

Học sinh Trường THPT Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) tham gia chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp tương lai. Ảnh: KHÁNH CHI
Học sinh Trường THPT Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) tham gia chương trình tư vấn định hướng nghề nghiệp tương lai. Ảnh: KHÁNH CHI

Thêm ngành mới, tăng chỉ tiêu tuyển sinh

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mở 6 ngành học mới liên quan đến công nghệ kinh tế. Đây là bước chuẩn bị để sắp tới trường công nghệ trực thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân ra đời. Cụ thể, 6 ngành mới gồm: Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Trí tuệ nhân tạo, An toàn thông tin, Quan hệ lao động. Các ngành mới này dự kiến tuyển sinh năm 2024. Trong đó, ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo chỉ tiêu là 100, các ngành còn lại chỉ tiêu là 50.

Theo thông báo của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, ngành Quan hệ lao động đào tạo hệ cử nhân, 5 ngành còn đào tạo cả cử nhân và kĩ sư. Quy mô đào tạo của trường này khoảng 25.000 sinh viên chính quy, hơn 1.200 cán bộ, giảng viên. Số ngành đào tạo bậc đại học là 60 ngành, 28 ngành đào tạo tiến sĩ.

Tương tự, Trường Đại học Ngoại thương xây dựng kế hoạch và lộ trình phát triển ngành, chương trình đào tạo theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, lựa chọn những ngành, lĩnh vực có tính tiên phong, đáp ứng nhu cầu xã hội để đầu tư phát triển. Nhà trường tiếp tục phát triển thêm các ngành mới thuộc các lĩnh vực trên và các ngành sang các lĩnh vực mới như: Máy tính và Công nghệ thông tin; Báo chí và thông tin; Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác.

Năm 2023, Trường Đại học Ngoại thương là trường đại học đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam triển khai tuyển sinh chương trình Kinh tế chính trị quốc tế. Năm 2024, trường này dự kiến tuyển sinh ngành Khoa học máy tính, chương trình Khoa học máy tính và dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh.

Đa dạng hình thức tuyển sinh

Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM dự kiến mở nhiều ngành, chương trình mới, trong đó có Khoa học dữ liệu, Logistic và Quản lý chuỗi cung ứng. Theo thông tin tuyển sinh dự kiến năm 2024 vừa được công bố, tổng chỉ tiêu của nhà trường năm nay là 4.329 sinh viên, tăng gần 700 so với năm ngoái.

Theo đó, trường dự kiến mở ngành Hệ thống thông tin quản lý, Kinh tế quốc tế, Ngôn ngữ Anh trong chương trình chính quy chất lượng cao. Với chương trình chuẩn, nhà trường dự kiến mở chuyên ngành Kiểm toán và Quản lý rủi ro trong ngành Kế toán, ngành Marketing, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Khoa học dữ liệu, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Nhà trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và của trường áp dụng cho tất các các ngành, chương trình đào tạo; Tổng hợp - Kết hợp kết quả học tập và thành tích bậc THPT để xét tuyển; Xét kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM tổ chức để xét tuyển; Xét kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét học bạ THPT và phỏng vấn chỉ áp dụng cho chương trình đại học chính quy quốc tế do đại học đối tác cấp bằng. Trong đó, ở phương thức xét tuyển tổng hợp (phương thức 3), nhà trường xét tuyển kết quả học tập và thành tích bậc THPT của thí sinh.

Với phương thức xét tuyển theo kết quả thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính của Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM (phương thức 3), thí sinh phải tham gia kỳ thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính do nhà trường tổ chức; tốt nghiệp THPT hoặc tương đương theo quy định của Bộ GD&ĐT; có điểm trung bình học tập học kỳ 1, 2 năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên. Năm nay, nhà trường tổ chức 4 đợt thi đánh giá đầu vào đại học trên máy tính tại cơ sở Hoàng Diệu, TP.Thủ Đức.

Năm 2024, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.650 chỉ tiêu, 65% trong số này từ phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Trường mở thêm hai ngành đào tạo mới là An toàn thông tin và Ngôn ngữ Trung Quốc; riêng ngành Ngôn ngữ Trung Quốc sẽ học 2 năm ở Việt Nam và 2 năm ở Trung Quốc.

Trường có 6 phương thức tuyển sinh gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển thí sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố, thí sinh có chứng chỉ quốc tế; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024; xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc học THPT; xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức năm 2024. Ngoài ra, từ năm thứ 2 sinh viên có thể đăng ký học thêm chương trình thứ 2 nếu đủ điều kiện, sau đó được công nhận tốt nghiệp cùng một lúc hai chương trình đào tạo của trường.

Những sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Anh có thể đăng ký theo chương trình liên kết đào tạo 2+2 giữa Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây - Trung Quốc. Sinh viên sẽ học 2 năm tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và 2 năm tại ĐH Khoa học Kỹ thuật Quảng Tây. Khi hoàn thành chương trình đào tạo và đủ điều kiện tốt nghiệp, người học được cấp 2 bằng của hai trường.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cũng vừa thông báo tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2024. Theo đó, nhà trường tuyển sinh hai ngành mới là Kỹ thuật Thiết kế vi mạch và Tâm lý học giáo dục. Trường sử dụng 5 phương thức tuyển sinh: Tuyển thẳng; ưu tiên xét tuyển; xét tuyển bằng học bạ THPT; xét điểm thi THPT 2024; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM.

ĐỨC KIÊN

 

;
.