Khi gặp "sự cố" vẫn… vui

Thứ Sáu, 04/11/2022, 18:35 [GMT+7]
In bài này
.

Sống trên đời khó hay dễ? Trả lời thế nào là tùy vào nhận thức, quan niệm sống và góc nhìn của mỗi người. Tuy nhiên, có đôi lúc cảm thấy khó sống quá, chẳng phải vì đời sống kinh tế khó khăn, do vợ/chồng “mèo mỡ” lăng nhăng, công việc không ổn định v.v… mà lý do lại cực kỳ lãng nhách.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Thí dụ như trong nhịp sống hiện tại, hầu như con người ta đều nhất nhất phụ thuộc vào… điện nhưng rồi ngày hôm đó bị cúp điện! Chuyện này nhỏ như con thỏ có đáng gì để quan tâm. Thế nhưng lại có trường hợp vợ chồng gấu ó nhau đấy. Thì đó, trong một ngày, có thể thiếu nhiều thứ, ừ, thì thế nào cũng xong nhưng dứt khoát không thể thiếu điện. Mọi thông tin liên lạc từ truy cập internet, check mail, xem phim, máy lạnh, giặt quần áo, tủ lạnh v.v… đều không thể vận hành.

Như mọi Chủ nhật, ngày đó cả gia đình có thể ngủ nướng đến 8 giờ; sau đó, kéo nhau ra quán ăn sáng. Rồi lúc quay về nhà, từ vợ đến chồng mỗi người chiếm một không gian riêng, tự do với nhu cầu, sở thích riêng. Nếu chị dán mắt vào cái truyền hình, anh mải mê vi tính thì hai đứa nhóc dứt khoát không thể thiếu cái iPad với các loại trò chơi. Thế mà chủ nhật này, oái oăm quá, ông nhà đèn “chơi khăm” cúp điện.

Chao ôi, lúc ấy ai cũng có cảm giác: “Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”. Rồi hậm hực. Rồi cáu tiết. Làm sao có thể ngủ trong không gian oi bức, làm sao “chém gió” trên facebook… nếu không có điện? Nỗi bực dọc ấy đã khiến nhiều người quát tháo ầm ĩ như đang nhai cơm ngon lành bỗng vấp phải hạt sạn, như đang phóng xe vù vù trên xa lộ lại vấp phải ổ gà! Sinh hoạt trong nhà do mất điện mà đảo lộn cái vèo, điều này cho thấy sự lệ thuộc của con người vào thói quen mà lâu nay đã tận hưởng.

Vậy, phải làm gì?

Giải quyết câu hỏi này thế nào mà vẫn “cơm lành canh ngọt”? Tôi có anh bạn, hễ mỗi lúc bị cúp điện là anh mừng ra mặt, bởi có cớ tếch ra khỏi nhà một cách hợp lý. Này nhé, ở nhà nóng nực bực bội lắm, bèn… ra quán cùng bạn bè lai rai. Nghe ra cũng có lý. Thế là anh ta bỏ mặc vợ con thui thủi ở nhà “tự thân vận dộng”. Chuyện lục đục cũng từ đó mà ra. Lại có người vợ lấy cớ kéo nhau cả nhà ra quán cho tiện việc nấu nướng. Nghe ra cũng có lý. Nhưng rồi, tìm lấy quán nào, ăn món gì lại trở thành đề tài… tranh luận mà ai cũng giành phần thắng về mình. Thử hỏi, sau cuộc cãi vã ấy, bữa ăn có ngon nữa không?

Khi gặp “sự cố” nào đó, điều quan trọng nhất ở đây vẫn là sự thấu cảm và sẻ chia cho nhau giữa vợ lẫn chồng. Từ hai cá thể khác nhau, nay cùng chung sống trong một nhà, tất nhiên giữa hai tính cách, sở thích, tâm tính có “chênh” nhau nhưng rồi, bất kỳ ai cũng có thể tìm được sự hòa hợp.

Tôi biết có những trường hợp là sau khi sinh xong, vì nhiều lý do, người vợ phải nghỉ dài hạn, không thể sau đó vào công ty làm việc lại. Tình huống này éo le, bức bách quá. Thay vì cằn nhằn, chì chiết vợ, anh chồng bảo: “Em đi làm thì nhà mình phải thuê người chăm sóc em bé, lo bếp núc nhà cửa. Mỗi tháng phải tốn chừng ấy tiền. Mà em đi là thì tiền lương cũng thế, dẫu có nhỉnh hơn nhưng không đáng kể, Thôi thì, em cứ yên tâm ở nhà, xem như mình “lấy công làm lời”. Em thấy sao?”. Khi nghe được lời tâm tình ấy, cô vợ cảm thấy yên lòng, vì dù gì đi nữa mình vẫn đóng vai trò phụ giúp cho gia đình. Cách giải quyết nào cũng tùy vào “cây mỗi hoa, nhà mỗi cảnh”. Ngược lại nếu người chồng tỏ thái độ khác ắt sự việc đã khác.

Trước “sự cố” nào đó có nhiều người vẫn nhẹ nhàng đón nhận, không hề than vãn gì. Đơn giản là họ chấp nhận thực tại đó vì biết không thể nôn nóng, đòi hỏi phải diễn ra theo ý mình ngay lập tức. Với câu chuyện cúp điện rất phổ biến vừa nêu trên, có thể đó là lúc người chồng sực nhớ cái cửa sắt nhà mình đã loang lổ, rỉ sét nhưng lâu nay do bận rộn công việc hằng ngày nên chưa thể mó tay vào. Rồi ngày nghỉ lại loay hoay với bàn phím nên chẳng thể sửa chữa. Thế là, anh mua sơn mới, kéo luôn cả hai đứa nhóc vào “phụ việc”. Chà, đã lâu lắm mấy cha con mới có dịp “lao động” chung. Câu chuyện cứ ríu rít chẳng bù cho mọi ngày, mấy cha con có dịp tỉ tê, tâm sự gì đâu.

Rồi vợ anh tranh thủ chăm sóc mấy chậu kiểng trước nhà, cô vợ ngạc nhiên đến thích thú: “Ủa, giò lan nhà mình đã ra hoa rồi mình ơi. Vậy mà lâu nay, em chẳng biết”. Thế là chị hào hứng réo chồng con cùng đến “chiêm ngưỡng”. Còn anh vừa sơn cửa, vừa hỏi han con cái chuyện học hành. Công việc cứ thế tuần tự trôi qua. Tiếng nói cười cả nhà náo nhiệt, vui nhộn hơn khác hẳn mọi chủ nhật trước.

Rõ ràng, trong bất kỳ tình huống nào người ta cũng có thể tìm được niềm vui.

LÊ MINH QUỐC

;
.