Giải pháp đẩy lùi bệnh lao

Thứ Hai, 13/06/2022, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Tỉnh BR-VT nằm trong vùng có dịch tễ lao cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, phối hợp tích cực của Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí và các cơ sở y tế trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước mang lại nhiều hiệu quả trong phòng, chống lao.

Bệnh nhân P.T.T.T. ở TP.Vũng Tàu được bác sĩ Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn.
Bệnh nhân P.T.T.T. ở TP.Vũng Tàu được bác sĩ Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí khám bệnh định kỳ theo lịch hẹn.

Kiên trì điều trị

Ho liên tục, sụt ký nhanh, chị P.T.T.T., 29 tuổi (phường 1, TP.Vũng Tàu) đến BV Phạm Ngọc Thạch (TP.Hồ Chí Minh) để khám. Được chuẩn đoán lao kháng thuốc, chị được BV chuyển về điều trị tại BV Phổi Phạm Hữu Chí (xã An Nhứt, huyện Long Điền).

“Hơn 10 tháng điều trị ngoại trú, tôi được BV Phổi Phạm Hữu Chí phát thuốc uống hàng ngày, tái khám định kỳ và làm các xét nghiệm theo chỉ định của bác sĩ. Giai đoạn đầu dùng thuốc khiến tôi rất mệt, nhiều lần bị say thuốc nhưng tôi vẫn kiên trì chữa bệnh. Nhờ vậy đến nay sức khỏe của tôi đã dần ổn định”, chị T. cho hay.

Một BN nữ, trẻ tuổi khác cũng đang được BV Phổi Phạm Hữu Chí điều trị lao kháng thuốc từ những ngày đầu nhiễm bệnh là chị B.T.K. (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền). Theo cha của chị - ông B.C.V., con gái năm nay 19 tuổi và bị phát hiện lao kháng thuốc cách đây 2 tháng.

Khi mới khởi bệnh, con ông sốt cao, nhất là vào buổi chiều, sụt ký, cơ thể mệt mỏi. Từ khi mắc căn bệnh này, cuộc sống của con gái có nhiều thay đổi. K. sống khép kín, ít giao tiếp với người khác và đôi khi có suy nghĩ tiêu cực. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm của cha, hằng ngày ông V., dành nhiều thời gian nói chuyện, động viên tinh thần, giúp con vượt qua giai đoạn khó khăn, thực hiện đúng liều trình điều trị của bác sĩ để cải thiện sức khỏe.

Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh thu nhận điều trị từ 1.400-1.500 bệnh nhân lao. Tỷ lệ điều trị khỏi lao phổi AFB (+) mới đạt hơn 90%. Tỷ lệ bệnh nhân lao các thể chiếm tỷ lệ 83/100.000 dân, lao AFB (+) mới chiếm 51/100.000 dân. Trong 5 tháng đầu năm 2022, các cơ sở y tế tư nhân đã phối hợp và chuyển 1.080 trường hợp nghi lao đến các cơ sở điều trị lao công lập.

 

 

Tăng cường phối hợp y tế công-tư

Theo đại diện BV Phổi Phạm Hữu Chí, thời gian qua, BV đã phối hợp với các đơn vị y tế, địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về phòng, chống lao trong cộng đồng. Hoạt động này nhằm mục đích phát hiện BN, tư vấn cho các ca bệnh đến điều trị tại các BV có chuyên khoa. Nhờ đó, ý thức của người dân về căn bệnh này ngày càng được nâng cao. Khi phát hiện bệnh, người dân đã đến BV điều trị và tự giác tuân thủ liều trình của bác sĩ.

Bác sĩ Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc BV Phổi Phạm Hữu Chí cho biết, mạng lưới chống lao của tỉnh ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Hiện tất cả các huyện, thành phố đều có tổ lao và phòng xét nghiệm lao để thực hiện công tác khám phát hiện, quản lý điều trị bệnh lao.

Từ năm 2011, được sự hỗ trợ của Qũy toàn cầu vòng 9 phòng, chống lao và tổ chức Path Việt Nam, ngành y tế tỉnh đã triển khai hoạt động phối hợp y tế công - tư (PPM) trong công tác phòng, chống lao.

Đến nay, hoạt động PPM thực hiện được 3 mô hình, gồm: phối hợp khám và chuyển người nghi lao tới các cơ sở y tế thuộc mạng lưới chống lao; phối hợp xét nghiệm, chẩn đoán bệnh nhân lao và gửi ca bệnh tới các cơ sở thuộc mạng lưới để quản lý điều trị (BV Bà Rịa, Vũng Tàu, TTYT Vietsovpetro); phối hợp với TTYT các huyện, thị xã, thành phố và Trại giam Xuyên Mộc, Cơ sở tư vấn và điều trị nghiện ma túy trong chẩn đoán, điều trị.

Từ năm 2022-2023, tỉnh BR-VT còn được Tổ chức Fit và Chương trình chống lao Quốc gia hỗ trợ triển khai hoạt động PPM; toàn tỉnh sẽ có 25 cơ sở y tế công và 10 cơ sở tư nhân tham gia hoạt động này.

Bác sĩ Trường Giang thông tin, trung bình mỗi ngày, BV Phổi Phạm Hữu Chí có khoảng 20 BN đến khám. Đây là những ca bệnh do các TTYT tuyến huyện chuyển lên. Hiện nay do BV Phổi Phạm Hữu Chí đang được xây mới nên những BN nội trú phải chuyển qua BV Bà Rịa điều trị, còn những BN điều trị ngoại trú thì vẫn đến khám và lấy thuốc tại BV.

“Cùng với tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả của mạng lưới phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh, chúng tôi tiếp tục tăng cường phối hợp để triển khai chương trình PPM. Đây là những cơ sở quan trọng để kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, hướng tới mục tiêu thanh toán được bệnh lao trong cộng đồng vào năm 2030”, bác sĩ Trường Giang nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

 
;
.