KỲ THI TỐT NGHIỆP THPT NĂM 2022: Phòng ngừa gian lận thi cử bằng công nghệ cao

Chủ Nhật, 12/06/2022, 22:23 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra vào cuối tuần qua, Bộ GD-ĐT đã quán triệt mục tiêu tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT, các địa phương và các bộ, ban, ngành liên quan đã tập trung bàn và đưa ra giải pháp phòng ngừa vi phạm, gian lận thi cử và linh hoạt triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bộ GD-ĐT quán triệt mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm nghiêm túc, an toàn, chất lượng.  Trong ảnh: HS lớp 12 Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Vũng Tàu gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Bộ GD-ĐT quán triệt mục tiêu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm nghiêm túc, an toàn, chất lượng. Trong ảnh: HS lớp 12 Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP. Vũng Tàu gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Chủ đề gửi ra bên ngoài để giải

Cảnh báo về gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao, Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, cho biết, hiện nay vẫn còn tình trạng mua bán thiết bị ghi âm, ghi hình ngụy trang, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử.

Thiếu tướng Lê Minh Mạnh dẫn chứng, năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện một vụ gian lận bằng thiết bị công nghệ cao với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thiết bị đa dạng và thủ đoạn tinh vi. Trong sự việc này, quy trình gian lận được tính toán kỹ. Thí sinh sử dụng camera cúc áo quay chụp đề thi, sau đó đưa hình ảnh đề ra ngoài qua thiết bị trung gian. Khi đề được giải xong, đáp án sẽ được truyền vào qua tai nghe hạt đậu. Các thiết bị này đều rất nhỏ khiến cán bộ coi thi khó phát hiện. Cơ quan chức năng nhận thấy cơ bản các thiết bị phát sóng điều khiển từ xa có thể thu nhận tín hiệu trong khoảng cách 20-25m và đã cảnh báo Bộ GD-ĐT về tình trạng này. "Công nghệ phát triển nhanh, khoảng cách này có thể xa hơn, nên chúng tôi khuyến nghị nơi bảo quản thiết bị của thí sinh để càng xa càng tốt", Thiếu tướng Lê Minh Mạnh nói.

Theo Thiếu tướng Lê Minh Mạnh, giải pháp phòng ngừa chính là cách ly thiết bị trung gian. Đó là lý do trong hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 quy định “Trưởng điểm thi phải bố trí địa điểm bảo đảm an toàn, cách biệt phòng thi tối thiểu 25m để bảo quản vật dụng cá nhân và các tài liệu và vật dụng bị cấm mang vào phòng thi theo quy định tại Quy chế thi”.

Về quy định này, nhiều địa phương chia sẻ khó khăn trong việc bố trí khu vực bảo quản vật dụng của thí sinh bảo đảm khoảng cách tối thiểu 25m. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh đây là quy định buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Dù vậy, các địa phương cũng có thể linh hoạt trong thực hiện và khuyến khích các địa phương có cách làm, phương án riêng. Thứ trưởng cũng lưu ý, các địa phương cần bố trí địa điểm phù hợp, không nên gần nhà dân bởi đối tượng gian lận có thể lắp thiết bị công nghệ cao ngay trong nhà dân thay vì mang tới điểm thi.

KHÔNG RA ĐỀ VÀO NỘI DUNG TINH GIẢN TRONG 3 NĂM HỌC
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nguyên tắc thực hiện là độc lập và phân định rõ ràng trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý. Cục quản lý chất lượng đã rà soát ma trận của 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu ở lớp 12. Các nội dung kiến thức đã được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 không đưa vào đề thi năm nay. Đề thi chính thức sẽ được xây dựng dựa trên ma trận đề thi được Bộ ban hành và bám sát đề thi tham khảo đã được Bộ công bố vào tháng 3 vừa qua.
Đến tháng 6/2022, ngân hàng câu hỏi thi cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng, thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là khâu lựa chọn và nhập liệu câu hỏi.

Thí sinh có thể không đeo khẩu trang trong phòng thi

Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Vương Ánh Dương cho biết: “Theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, thí sinh là F0, F1 bắt buộc đeo khẩu trang. Ngoài ra, hiện chúng ta vẫn thực hiện quy định 5K nên địa phương vẫn yêu cầu thí sinh phải đeo khẩu trang nhưng quan điểm của Bộ Y tế là các địa phương có thể thực hiện linh hoạt. Khi thí sinh vào phòng thi thì không nhất thiết phải đeo khẩu trang bởi trong phòng thi, các thí sinh không có giao tiếp, không được phép trao đổi và đã bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m”.

Riêng với phòng thi có F0, thí sinh thuộc diện F0 phải đeo khẩu trang y tế. Cán bộ coi thi phải bảo đảm các phương tiện phòng hộ theo quy định, có thể sử dụng áo choàng, khẩu trang y tế hoặc khẩu trang N95.

Đại diện Bộ GD-ĐT thông tin thêm, những thí sinh vào phòng thi đeo khẩu trang có van thở thì giám thị phòng thi cần kiểm tra. Nếu nghi ngờ có thiết bị gian lận giấu trong khẩu trang thì giám thị yêu cầu thay khẩu trang sẵn có ở cửa phòng thi.

Bộ Y tế đã có văn bản hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó thí sinh trong diện F0 vào thời điểm diễn ra kỳ thi (được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận là F0) sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp. Tuy nhiên nếu những TS này muốn dự thi, Ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố bố trí để các em được dự thi ở phòng thi riêng, đảm bảo các biện pháp phòng dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Thí sinh nghi ngờ nhiễm COVID-19 cần được bố trí cho thi ở phòng thi riêng hoặc xử trí theo hướng test nhanh COVID-19 vào ngày 6/7 (ngày làm thủ tục dự thi), nếu dương tính thì bố trí thí sinh dự thi riêng, nếu âm tính thì được dự thi cùng thí sinh khác. Thí sinh trong diện F1 vẫn được dự thi chung với các thí sinh khác.
Tại các phòng thi có thí sinh F0 hoặc nghi ngờ là F0, các hội đồng coi thi phải chuẩn bị các điều kiện đảm bảo phòng chống dịch cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát các phòng thi. Các hội đồng thi có phương án giao nhận đề thi, bài thi đảm bảo đúng yêu cầu phòng dịch.

Tăng cường thanh kiểm tra, phòng ngừa vi phạm

Về công tác thanh, kiểm tra kỳ thi, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được phân cấp trách nhiệm toàn diện trên địa bàn do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sự phối hợp của các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền địa phương. Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi. Năm 2022, công tác thanh, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT được thực hiện theo hướng: “an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, phòng chống hiệu quả dịch COVID-19”.

Theo kế hoạch, Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia thành lập 5 đoàn công tác làm việc với Ban chỉ đạo các tỉnh, kiểm tra tại các sở GD-ĐT và Hội đồng thi địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi. Bộ cũng thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GD-ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi, 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi, chấm thi và 5 đoàn kiểm tra lưu động công tác chấm thi phúc khảo…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhấn mạnh, công tác thanh kiểm tra mang tính chất phòng ngừa là chính, nhằm ngăn chặn kịp thời những hạn chế bất cập, không để xảy ra vi phạm. Việc thanh tra, kiểm tra phải kịp thời, vừa thực hiện trên diện rộng, vừa có trọng điểm.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI

;
.