Nhanh chóng, thuận tiện hơn nhờ nền tảng quản lý xét nghiệm

Chủ Nhật, 25/07/2021, 21:38 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 24/7, Sở TT-TT đã phối hợp với Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu đưa vào thí điểm ứng dụng nền tảng quản lý xét nghiệm SAR-CoV-2 tại trường THCS Nguyễn Gia Thiều (phường 12, TP. Vũng Tàu). Giải pháp này giúp người dân khai báo nhanh, tiết kiệm thời gian cho đội ngũ y tế khi nhập thông tin trước và sau khi lấy mẫu xét nghiệm.

Người dân phường 12 được hướng dẫn quét mã QR-code để khai báo y tế.
Người dân phường 12 được hướng dẫn quét mã QR-code để khai báo y tế.

7 giờ 30 phút sáng 24/7, trước cổng trường THCS Nguyễn Gia Thiều -  điểm xét nghiệm SAR-CoV-2 của người dân các tổ dân cư phường 12 (TP. Vũng Tàu) khá đông người tham gia xét nghiệm theo yêu cầu của địa phương. Những lần xét nghiệm trước, tất cả người dân chỉ có một lối đi vào thì nay đã phân ra làm 2 luồng: một luồng dành cho những người không sử dụng điện thoại thông minh, thực hiện khai báo y tế bằng hình thức nộp giấy và một luồng dành cho những người sử dụng điện thoại thông minh có thể sử dụng Bluezone cho phép quét mã QR-code của tờ khai y tế.

Cũng như nhiều người khác, ông Nguyễn Thế Hùng (22/40D1/5 Chi Lăng, phường 12, TP. Vũng Tàu) có mặt sớm tại trường THCS Nguyễn Gia Thiều để làm thủ tục xét nghiệm. Thay vì phải điền các thông tin vào tờ khai y tế, sau khi được cán bộ y tế cung cấp mật khẩu wifi, ông Hùng mở ứng dụng Bluezone, cán bộ y tế quét mã QR-code là xong phần nhập thông tin khai báo và tiến hành xét nghiệm. Ông Hùng cho biết, đã hơn 50 tuổi rồi, ông không rành công nghệ nhưng việc sử dụng điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng Bluezone và dùng mã QR-code cho khai báo thông tin khi xét nghiệm rất đơn giản, dễ làm, kể cả những người lớn tuổi cũng dễ dàng sử dụng.

Tại các bàn làm việc của tổ nhân viên y tế trong ngày đầu sử dụng nền tảng quản lý xét nghiệm cũng nhàn hơn. Ông Lê Duy Thiện, cán bộ Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu cho biết, ở những lần xét nghiệm trước, sau khi người dân nộp tờ khai y tế, nhân viên y tế phải ghi vào sổ, đồng thời lưu lại bản khai của người dân, phân ra từng nhóm theo mẫu gộp khi test. Sau khi hoàn thành việc lấy mẫu, nhiệm vụ của nhân viên y tế lại càng nặng nề hơn vì phải nhập hết toàn bộ dữ liệu của người dân từ file giấy lên file excel. “Công đoạn này vừa mất thời gian vừa áp lực với nhân viên y tế vì số lượng người xét nghiệm quá nhiều, chỉ cần một chút bất cẩn có thể nhầm lẫn, sai số. Nhưng khi sử dụng nền tảng quản lý xét nghiệm với chức năng đơn giản, dễ sử dụng, các công việc trên của nhân viên y tế chỉ bằng một cái click trên điện thoại thông minh là xong, đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện và chính xác hơn rất nhiều", ông Thiện nói.

Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ vào buổi sáng, khoảng 630 mẫu xét nghiệm theo mẫu gộp 15 cho người dân trên địa bàn phường 12 đã hoàn thành. Trong đó 60% người dân đến xét nghiệm đã sử dụng mã QR - code cho việc khai thông tin trên nền tảng quản lý xét nghiệm SAR-CoV-2.

Ông Đặng Tùng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) cho biết, ưu điểm của nền tảng quản lý xét nghiệm SAR-CoV-2 là giúp người dân khai báo y tế nhanh chóng, giảm bớt thời gian chờ đợi, tập trung đông người, giảm thời gian giao tiếp với nhân viên y tế.

Giải pháp ứng dụng nền tảng quản lý xét nghiệm SAR-CoV-2 do Trung tâm Công nghệ phòng chống dịch COVID-19 Quốc gia phối hợp cùng tập đoàn công nghệ BKAV xây dựng. Trước khi thí điểm tại TP. Vũng Tàu, phần mềm này đã được ứng dụng thành công trong công tác lấy mẫu xét nghiệm SAR-CoV-2 tại phường An Bình, TP. Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và tại UBND quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh). Trước khi triển khai thí điểm tại TP.Vũng Tàu, Trung tâm Chính phủ điện tử, Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) đã tập huấn cho 40 cán bộ y tế của tỉnh BR-VT và những người làm phục vụ tại các điểm xét nghiệm để hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng.

Nền tảng này đặc biệt mang lại hiệu quả cao cho lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ xét nghiệm. Với phương pháp thông thường thì sau khi xét nghiệm được thực hiện, nhân viên y tế phải về nhập lại toàn bộ thông tin trên file giấy vào excel. Việc này mất nhiều thời gian nên sẽ làm chậm tiến độ xét nghiệm và trả kết quả. Nhưng khi sử dụng ứng dụng nền tảng quản lý xét nghiệm SAR-CoV-2, công việc trên sẽ giảm tải khoảng 50% thời gian thực hiện. Theo đó, khi người dân khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone, sẽ có một mã QR-code của mình (hoặc các mã QR khi khai hộ người thân ), cán bộ y tế chỉ cần quét mã, toàn bộ thông tin sẽ được nhập lại trên máy. “Việc nhập thông tin bằng mã QR-code trên nền tảng quản lý xét nghiệm này chỉ mất 1 giây, trong khi đó, nếu làm bằng giấy thì mất 1 phút. Nếu lấy hàng trăm, hàng ngàn hoặc hoặc hàng triệu mẫu xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian. Ngoài việc đơn giản thủ tục cho người dân, phần mềm còn hỗ trợ nhân viên y tế vào số liệu nhanh tại hiện trường (khoảng 1 giây/mẫu) mà không phải nhập liệu lại khi mang mẫu về phòng xét nghiệm; phân lô, ghép lô xét nghiệm thuận tiện; tìm kiếm và lọc dữ liệu nhanh theo yêu cầu các nhà quản lý… Nếu có trường hợp dương tính thì sẽ được gửi đến cơ quan liên quan rất nhanh.”, ông Đặng Tùng Anh phân tích.

Theo lãnh đạo Sở TT-TT, sau thời gian thí điểm tại TP. Vũng Tàu, Sở sẽ làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để đánh giá hiệu quả và rút kinh nghiệm, từ đó sẽ có phương án áp dụng rộng rãi ứng dụng này tại các địa phương khác.

Bài, ảnh: QUANG VŨ

;
.