Ấn tượng với "BOT AI SCHOOL" - Kênh tư vấn tâm lý online

Thứ Bảy, 10/04/2021, 05:25 [GMT+7]
In bài này
.

“Xin chào bạn, tôi là bot tự động, chào mừng bạn đến với kênh tư vấn online. Bạn có thể chát với chúng tôi hoặc gọi điện thoại trực tiếp”- Đây là lời mở đầu khi các bạn HS đăng nhập vào ứng dụng phần mềm “BOT AI SCHOOL”. Kênh tư vấn này được tạo bởi 2 HS Nguyễn Bảo Ngọc và Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên (Lớp 9/2, Trường THCS Trần Phú, TP. Vũng Tàu) và đã được áp dụng hơn 1 năm nay để tư vấn chuyên biệt lĩnh vực bạo lực học đường. 

Nguyễn Bảo Ngọc (bìa phải) và Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên (giữa) cùng bạn trao đổi về ứng dụng  “BOT AI SCHOOL”.
Nguyễn Bảo Ngọc (bìa phải) và Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên (giữa) cùng bạn trao đổi về ứng dụng “BOT AI SCHOOL”.

Ý tưởng về phòng tư vấn tâm lý học đường online của 2 cô học trò hình thành từ việc nhận thấy các bạn HS ngại đến các phòng tư vấn tại trường học do tâm lý khó có thể nói trực tiếp các vấn đề riêng tư của mình với thầy, cô hoặc chuyên viên tâm lý. Với kênh tư vấn này, HS chỉ cần một vài thao tác trên máy tính cá nhân, điện thoại thông minh hoặc hệ thống máy tính của nhà trường. Những thắc mắc “không biết hỏi ai” của các bạn HS sẽ có câu trả lời sau ít giây chờ đợi. Đơn cử, HS sau khi đăng nhập “BOT AI SCHOOL” bày tỏ: “Tôi buồn” thì ngay sau đó sẽ nhận được câu hỏi an ủi: “Chuyện gì làm bạn buồn, có thể cho mình biết được không?”. Sau đó, những câu trả lời về một số vấn đề về bạo lực học đường được cài đặt sẵn nhằm giúp HS “gỡ vướng tâm hồn” trong lúc bối rối, cô đơn…

Trường hợp vấn đề đặt ra nằm ngoài nội dung những tình huống có sẵn được cài đặt trên ứng dụng thì một email giải đáp sẽ được gửi trực tiếp đến HS từ thành viên ban tư vấn nhà trường. Trước đó, các thầy cô tổ tư vấn đã cùng thảo luận để mang lại nội dung tư vấn tối ưu nhất cho người hỏi. Hoặc thông qua “BOT AI SCHOOL”, HS cũng có thể đặt lịch với tổ chuyên gia tư vấn tâm lý của nhà trường để được gặp gỡ tư vấn trực tiếp.

Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên chia sẻ: “Dự án tư vấn học đường online ra đời trong bối cảnh tình trạng bạo lực học đường, các vấn đề tâm lý lứa tuổi khiến HS không biết bày tỏ cùng ai, rất cô đơn và thậm chí có những ý nghĩ tiêu cực. Điều này trở thành vấn nạn học đường, gây lo lắng cho các bậc phụ huynh. Mặt khác, việc HS ngại bày tỏ trực tiếp gây khó khăn cho các GV trong quá trình nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em. Em nhận thấy cần thiết phải có một phương thức để được giải tỏa tâm lý bên cạnh giải pháp tư vấn tâm lý trực tiếp tại trường học. Với kênh tư vấn tâm lý online, các bạn không cần gặp trực tiếp giáo viên hay chuyên viên tư vấn và cũng không e ngại khi bày tỏ trực tiếp cùng bạn bè về những vấn đề rắc rối của bản thân. Các bạn có quyền giấu tên khi tham gia tư vấn online”.

Nguyễn Bảo Ngọc cho hay, ngoài tư vấn tâm lý, ứng dụng này còn giúp các bạn trao đổi để giúp nhau trong việc học tập tại trường. Sự độc đáo của dự án này là tiện lợi, giúp cho các bạn HS có thể được giải quyết vấn đề của mình một cách nhanh chóng, kịp thời và bảo đảm tính riêng tư. 

Bà Huỳnh Thị Bích Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú nhận xét, phần mềm tư vấn tâm lý online “BOT AI SCHOOL” của Thảo Nguyên và Bảo Ngọc được đưa vào mục trên trang web https://edu.viettel.vn/vtu-vungtau-thcstranphu của trường. Sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, cùng với sự tham gia tư vấn, trợ giúp của các GV giỏi và giàu kinh nghiệm, tổ tư vấn học đường online của trường THCS Trần Phú đã có hơn 1.500 lượt truy cập, giúp các em HS trong trường giải đáp những thắc mắc, và hạn chế mâu thuẫn giữa các em HS với nhau. Nhờ vậy, nhà trường đã dễ nắm bắt được tâm lý chung của các bạn HS để có thể quản lý cũng như đưa ra nhiều phương pháp giáo dục hiệu quả nhất. Đặc biệt, tại Trường THCS Trần Phú hiện không còn tình trạng bạo lực học đường.

“Hiện nay, các em đang tiếp tục hoàn thiện phần mềm tư vấn tâm lý online với ứng dụng liên kết gọi điện tư vấn trực tiếp. Mặc dù còn đơn giản, chưa hoàn thiện nhưng ứng dụng đã bước đầu giúp ích cho nhà trường và các GV tư vấn tâm lý chia sẻ, gần gũi với các em HS hơn, xóa bỏ tình trạng bạo lực học đường và các vấn đề tiêu cực của HS”, bà Huỳnh Thị Bích Phượng bày tỏ.

Bài, ảnh: QUANG LÊ

;
.