Giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu lao động

Thứ Hai, 11/01/2021, 21:47 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 11/1, Bộ LĐTBXH tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì hội nghị. Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự hội nghị tại điểm cầu BR-VT.

Năm 2020, ngành LĐTBXH đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ và các địa phương để hỗ trợ 31,5 ngàn tỷ đồng cho các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cả nước ước giải quyết việc làm cho khoảng 1,348 triệu người (đạt 83,8% kế hoạch). Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 51,6 (năm 2015) lên 64,5%. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61%. Đời sống người có công không ngừng được nâng lên; phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn được đẩy mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn tiếp cận đa chiều) của cả nước giảm từ 9,88% cuối năm 2015 xuống còn 2,75% vào cuối năm 2020. 

Năm 2021, ngành LĐTBXH tiếp tục hoàn thiện, phát triển thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện; góp phần bảo đảm công bằng xã hội và không ai bị bỏ lại phía sau.

Tại BR-VT năm 2020, tỉnh đã giải quyết việc làm và tạo việc làm cho 40.002 lượt lao động; giải ngân cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 16.728 lao động với số tiền hơn 674 tỷ đồng (đạt 192,6% kế hoạch). Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh còn 0,73% so với tổng số hộ dân (vượt kế hoạch 0,17%). 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị, ngành LĐTBXH tiếp tục chủ động, linh hoạt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Ngành cần đặc biệt quan tâm, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với nhóm bảo trợ xã hội, hộ nghèo, gia đình chính sách.

NHÃ UYÊN

 
;
.