Trầm cảm - Sát thủ vô hình

Thứ Sáu, 16/10/2020, 13:08 [GMT+7]
In bài này
.

Chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn về hai từ “trầm cảm”. Căn bệnh tâm lý không chừa bất cứ một ai, kể cả em bé trong bụng mẹ cho đến những người cao tuổi. Bệnh trầm cảm mức độ nặng gây ra rối loạn hành vi, khó khăn cho người bệnh trong sinh hoạt cuộc sống hàng ngày: khó ngủ, chán ăn, lười vệ sinh cá nhân, không muốn nói chuyện hay tiếp xúc với người khác, cáu gắt, dễ nóng giận, gây tổn thương cho người khác và cho chính mình, thậm chí dẫn đến tự sát.

Ở độ tuổi thanh thiếu niên đột nhiên cha mẹ thấy trẻ trở nên khác thường: sức học sa sút, ít nói hơn, bỏ học, thu mình vào thế giới riêng. Đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Ở độ tuổi thanh thiếu niên đột nhiên cha mẹ thấy trẻ trở nên khác thường: sức học sa sút, ít nói hơn, bỏ học, thu mình vào thế giới riêng. Đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.

Đa số người mắc bệnh trầm cảm đều không biết mình mắc bệnh, chính vì vậy làm cho tình hình tồi tệ hơn vì không được chia sẻ và chữa lành.

Các trường hợp trầm cảm ở độ tuổi thanh thiếu niên rất phổ biến. Đột nhiên cha mẹ thấy trẻ trở nên khác thường: sức học sa sút, ít nói hơn, hỏi không trả lời, chán ăn, bỏ học, thu mình vào thế giới riêng, cấu véo cơ thể, đánh người khác, la hét vô cớ, cắt tay chân, hay đăng hoặc nói về việc mình không muốn sống, muốn tự sát… đó là các dấu hiệu của bệnh trầm cảm từ mức nhẹ đến nặng. Ngay từ khi thấy con trẻ có các biểu hiện khác thường thì cha mẹ cần tìm hiểu và chia sẻ, lắng nghe con tâm sự giãi bày, giúp con giải tỏa áp lực tâm lý, vượt qua khủng hoảng lứa tuổi và vượt qua căn bệnh trầm cảm quái ác.

Trong giai đoạn dậy thì, sự mâu thuẫn giữa phát triển tâm lý và thể chất không đồng đều dễ làm cho các em bột phát các suy nghĩ cũng như hành vi “khác thường” để giải tỏa tâm lý, cũng như sự phát triển sinh lý và thể chất của cơ thể, để được “nhìn nhận” từ người lớn và bạn bè xung quanh. Nếu trong giai đoạn này không được sự thông hiểu của người lớn dễ dẫn đến tình huống trẻ tự cô lập mình trong suy nghĩ cũng như cuộc sống, dần xa lánh bạn bè, gia đình và nhà trường. Với suy nghĩ không được chia sẻ và quan tâm, xã hội không ai hiểu được mình sẽ đưa trẻ đến với thế giới ảo để thỏa mãn nhu cầu của mình: nghiện games, không trò chuyện với bạn bè, thầy cô và cha mẹ, xa lánh cuộc sống thực… từ đó dẫn trẻ đến căn bệnh trầm cảm.

Trong hầu hết các ca trị liệu về tâm lý ở học sinh đều liên quan đến các yếu tố: bạn bè, thầy cô, áp lực bài vở, điểm số, sự mong đợi từ cha mẹ. Trong đó, cách cư xử của cha mẹ, thầy cô ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. Khi trẻ đang chia sẻ tâm sự của mình, người lớn không nên cắt ngang và bình luận, dạy dỗ trẻ về đúng sai, vì chính điều này làm trẻ xây nên một rào chắn tâm lý “mình không được lắng nghe, mình luôn sai, mình luôn không đủ tốt, mọi người đều không đón nhận mình, không ai có thể hiểu mình!” và từ đó trẻ dần ít tâm sự với người lớn xung quanh, đó cũng trả lời cho câu hỏi của các bậc phụ huynh: “Tại sao con không nói chuyện và chia sẻ với tôi nữa?”, “Tại sao hỏi mà con chỉ trả lời nhát gừng cho qua!”. Bởi vì khi con nói, chúng ta không thực sự lắng nghe.

Đừng để đến khi căn bệnh trầm cảm làm con trẻ có những hành vi và biểu hiện trầm trọng mới đi tìm bác sĩ, vì lúc ấy giúp con vượt qua bệnh sẽ là rất khó. Chỉ gặp may mắn nếu “đúng thầy, đúng thuốc”.

Lắng nghe chân thành và hướng dẫn con đúng cách, đúng lúc sẽ là cách tốt nhất để giúp con vượt qua khủng hoảng lứa tuổi, giúp con tránh xa căn bệnh trầm cảm và có một tuổi thơ, tuổi học trò tươi đẹp, an toàn!

LÊ THỊ LAN PHƯƠNG (Chuyên gia tâm lý trị liệu)

 
;
.