HỌC SINH SỬ DỤNG ĐIỆN THOẠI TRONG GIỜ HỌC: Lợi bất cập hại

Chủ Nhật, 04/10/2020, 18:56 [GMT+7]
In bài này
.

HS được sử dụng điện thoại trên lớp để phục vụ việc học tập. Đây là quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về Ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Phần lớn cán bộ quản lý, GV, HS cho rằng việc cho phép HS sử dụng điện thoại là “con dao hai lưỡi”. 

HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh, TP. Vũng Tàu trong tiết thực hành môn Tin học.
HS Trường THCS Nguyễn Văn Linh, TP. Vũng Tàu trong tiết thực hành môn Tin học.

BẮT KỊP XU THẾ?

Trước đây, điều 41 Thông tư số 12/2011 ngày 28/3 của Bộ GD-ĐT quy định về các hành vi HS không được làm đã cấm HS sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học. Tuy nhiên, tới đây, Thông tư này sẽ được thay thế bởi Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT (gọi tắt là Thông tư 32), có hiệu lực từ ngày 1/11. Thông tư 32 nêu rõ hành vi HS không được làm là “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép”. Điều này đồng nghĩa với quy định cấm HS sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ bị bãi bỏ. Đại diện Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: “HS sẽ được sử dụng điện thoại trong giờ học, nhưng chỉ phục vụ học tập, với sự đồng ý của GV”. 

Thầy Nguyễn Thừa Lợi, Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thị Sáu (huyện Đất Đỏ) khẳng định, Thông tư 32 đã “cởi trói” cho các trường trong quy định cho HS sử dụng điện thoại. Như vậy, quy định mới không cấm học sinh mang điện thoại tới trường. Còn việc sử dụng như thế nào là do sự điều hành, quản lý của GV. “Trước đây, một số GV cũng từng đề nghị nhà trường cho HS sử dụng điện thoại di động để tra cứu từ điển, thông tin…”, thầy Nguyễn Thừa Lợi cho biết thêm. Theo thầy Lợi, nếu GV quản lý tốt, HS sẽ có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, tra cứu thông tin, tài liệu một cách nhanh chóng và thuận tiện để phục vụ cho bài học. Mặt khác, quy định này cũng có tác dụng tích cực để GV có ý thức tự điều chỉnh hành vi của mình khi đứng lớp cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Đồng quan điểm, thầy Võ Thanh Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) nhận định, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là xu hướng tất yếu. Do đó, có thể nói, quy định này là phù hợp với sự phát triển của giáo dục. Ở bậc THPT, điều này giúp thầy cô và HS khai thác nguồn tài nguyên trên mạng để phục vụ tốt cho việc giảng dạy, học tập. Thầy Minh cho rằng, hiện có nhiều môn học như tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Công nghệ… nếu được sử dụng điện thoại thông minh sẽ hạn chế được việc GV, HS phải mang theo quá nhiều tài liệu đến trường. Tuy vậy, thầy Minh cho biết, để quy định này được triển khai một cách hiệu quả, nhà trường sẽ xây dựng lại nội quy của trường, đồng thời điều chỉnh kế hoạch năm học. Quy định có hiệu lực không đồng nghĩa với việc HS được thoải mái mang điện thoại tới trường và sử dụng trong mọi tiết học. “Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu GV các bộ môn ngay từ đầu năm học phải có kế hoạch cụ thể, bài nào, nội dung nào cho HS sử dụng điện thoại để học tập. Chỉ giờ học được GV cho phép, HS mới được sử dụng điện thoại. Nếu các em sử dụng sai mục đích, ngoài giờ học được GV cho phép là vi phạm nội quy, quy định của trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng sẽ thông tin cho phụ huynh nắm được quy định mới này để phối hợp với GV trong việc quản lý HS”, thầy Minh nói.  

HS lớp 9/8, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP. Vũng Tàu trong giờ học.
HS lớp 9/8, Trường THCS Nguyễn Thái Bình, TP. Vũng Tàu trong giờ học.

TIỀM ẨN HỆ LỤY

Trong khi đó, nhiều cán bộ quản lý, GV, thậm chí HS lại khẳng định, việc sử dụng điện thoại tại trường học là không cần thiết và tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Cô Nguyễn Vũ Thị Thu Hằng, GV tiếng Anh, Trường THCS Nguyễn Thái Bình (TP.Vũng Tàu) cho biết, hiện tại, các lớp đã được trang bị màn hình tivi có kết nối internet. GV có thể trình chiếu, tra cứu thông tin cho HS cả lớp cùng theo dõi, không nhất thiết mỗi em phải mang theo 1 chiếc điện thoại để tra cứu riêng. 

Đánh giá cao lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhưng thầy Trương Văn Hổ, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Linh (TP. Vũng Tàu) cho rằng, việc cho phép HS THCS sử dụng điện thoại thông minh vào mục đích học tập trên lớp là không cần thiết. Không những vậy, việc mang theo điện thoại còn khiến các em bị phân tâm, sao nhãng học hành, hoặc bị đối tượng xấu tiếp cận để lôi kéo, rủ rê. Bên cạnh đó, nên sử dụng máy tính, ipad để học tập sẽ tốt hơn là sử dụng điện thoại thông minh, bởi về lâu dài có thể ảnh hưởng tới thị lực của các em. Thầy Trương Văn Hổ cũng đặt vấn đề HS có thể sử dụng điện thoại để gian lận trong thi cử, kiểm tra, đánh giá. Thầy Hổ cho biết: “Khi được mang điện thoại tới trường, trong giờ kiểm tra, các em có thể truy cập internet để chép bài mẫu hoặc sử dụng các phần mềm, ứng dụng giải bài tập. Như vậy, kết quả học tập của các em sẽ không được phản ánh chính xác, chân thực”.

Về phía HS, nhiều em cũng khẳng định không nên sử dụng điện thoại trong giờ học. Em Phạm Thị Thùy Trang, HS Trường THPT Trần Văn Quan (huyện Long Điền) chia sẻ: “Em cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin là cần thiết. Ngoài thời gian học tập ở trường, HS có thể truy cập để tìm kiếm tài liệu học tập. Tuy nhiên, trong thời gian 1 tiết học vỏn vẹn 45 phút, việc vừa học trực tiếp, vừa tra cứu thông tin trên mạng rất mất thời gian. Trong giờ học, việc để HS tự tư duy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với lệ thuộc vào kết quả tra cứu trên internet”.

Bài, ảnh: KHÁNH CHI 

;
.